CHẬT VẬT GIỮ SẮC XANH

15/08/2018 23:55
Tại nhiều thị trường chứng khóan (TTCK) chủ chốt trên thế giới, mùa công bố lợi nhuận quý II mới khởi động mà nhà đầu tư chứng khóan đã tỏ ra thất vọng, thậm chí còn khởi kiện doanh nghiệp như Facebook tại Mỹ với lý do làm họ mất một số tiền không nhỏ. Đó có lẽ là một trong những lý do khiến nhiều nhà đầu tư không ngần ngại bán tháo cở phiếu mỗi khi đón nhận thông tin lợi nhuận bất lợi của doanh nghiệp và "vô tình" đẩy các TTCK chìm sâu hơn.
Theo dòng sự kiện

Tuần đầu từ phiên giao dịch ngày 2/7 - 6/7: Sắc đỏ đi qua khắp các thị trường

Quan ngại trước việc Mỹ chuẩn bị áp thuế cao lên tới 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đẩy căng thẳng thương mại giữa hai nước lên một mức độ cao hơn đã giáng một đòn mạnh vào các TTCK châu Á khi mở phiên giao dịch đầu tháng (2/7). Dẫn đầu đà giảm là từ sàn giao dịch chứng khóan Thượng Hải khi chỉ số SCI hạ 2,5% xuống 2.775,56 điểm. Tiếp theo là sàn Tôkyô, nơi chỉ số 

Nikkei-225 để mất 2,2% xuống 21.811,93 điểm.

Tuy nhiên, thị trường Phố Wall dường như không quan tâm tới căng thẳng thương mại Mỹ - Trung để chuyển hướng sang lực đẩy từ các mã cổ phiếu công nghệ (cổ phiếu của Apple tăng 1,1% hay cổ phiếu của Microsoft tăng 1,4%) để đi lên, dù mức tăng chỉ khiêm tốn. Chỉ số DJ tăng 0,1% lên 24.307,18 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,3% lên 2.726,71 điểm và chỉ số Nasdaq có thêm 0,8% lên 7.567,69 điểm. 

Các sàn giao dịch chứng khóan châu Á từ chỗ chạy theo hai chiều ngược nhau trong phiên 3/7 đã "hòa cùng" sắc đỏ vào phiên 4/7, kéo theo sự xuống dốc mạnh hơn của sàn Tôkyô và Hồng Kông. Không chỉ để mất 409,54 điểm (phiên 3/7), chỉ số Hang Seng của sàn Hồng Kông còn tiếp tục giảm thêm 303,90 điểm xuống 28.241,67 điểm vào cuối phiên 4/7. Chỉ số Nikkei-225 tại sàn Tôkyô cũng vậy khi ghi nhận mức giảm 68,50 điểm, còn 21.717,04 điểm (phiên 4/7), sau khi để mất 26,39 điểm phiên trước đó. Còn chỉ số SCI trên sàn Thượng Hải đã không thể nào lặp lại sự đảo chiều ngoạn mục như phiên 3/7 (giảm tới 1,9% hồi đầu phiên, rồi lấy lại 0,41% vào cuối phiên) và để mất 1% xuống đóng phiên 4/7 tại 2.759,13 điểm.

Trước khi TTCK đóng cửa nghỉ lễ Quốc khánh (phiên 4/7), Phố Wall bất ngờ đổi sang sắc đỏ do giá dầu ngọt nhẹ bất ngờ xuyên ngưỡng 75 USD/thùng lần đầu tiên trong ba năm đã làm nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu để chuyển sang đầu tư vào dầu mỏ. 

Thêm một phiên giữ nguyên sắc đỏ và tới phiên 6/7, chứng khóan châu Á mới trở lại màu xanh dù cùng ngày các biện pháp áp thuế của Mỹ lên hàng hóa nhập khẩu trị giá 50 tỷ USD từ Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực. Ngay sau đó, Bắc Kinh cáo buộc Nhà Trắng đã “kích hoạt” cuộc chiến thương mại có quy mô lớn nhất trong lịch sử kinh tế thế giới và tuyên bố sẽ đáp trả bằng cách áp thuế lên 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho hay thông tin này đã được dự báo trước trong nhiều tuần và do đó nhiều nhà giao dịch vẫn tận dụng thời cơ để mua vào cổ phiếu, giúp thị trường "tránh bão”. TTCK Nhật Bản dẫn đầu xu hướng tăng, đồng thời kết thúc chuỗi giảm giá bốn phiên liên tiếp, chỉ số Nikkei-225 đã tăng 241,15 điểm lên đóng phiên ở mức 21.788,14 điểm. 

Và sắc xanh vẫn được Phố Wall giữ vững cho tới phiên cuối tuần 6/7 nhờ báo cáo việc làm tháng Sáu của Mỹ đã át đi quan ngại về căng thẳng thương mại giữa Mỹ với các nước. Theo Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế nước này đã tạo thêm 213.000 việc làm trong tháng 6/2018, vượt mức dự báo là tăng 195.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng nhẹ lên 4%. Nhờ đó, chốt tuần giao dịch đầu tiên của tháng 7, chỉ số DJ tăng 0,4% lên 24.456,48 điểm; chỉ số S&P 500 tiến 0,9% lên 2.759,81 điểm và chỉ số Nasdaq cộng 1,3% lên 7.688,39 điểm.

 

Tuần thứ hai từ phiên giao dịch ngày 9/7 - 13/7: TTCK sôi động trở lại

Tiếp nối đà tăng của tuần trước, TTCK châu Á giao dịch sôi động hơn vào đầu tuần mới (phiên 9/7) một phần nhờ báo cáo việc làm tháng Sáu của Mỹ khả quan đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế đầu tàu thế giới. Chỉ số Nikkei-225 tăng tiếp 1,2% lên 22.052,18 điểm. Tại sàn Hồng Kông, chỉ số Hang Seng tăng 1,3% lên 28.688,5 điểm và chỉ số SCI tại Thượng Hải tiến 2,5% lên 2.815,11 điểm.

Sang đầu tuần mới, Phố Wall vẫn giữ được xu thế đi lên từ cuối tuần trước, tạo đà cho các sàn châu Âu ghi điểm theo. Các nhà phân tích của Tập đòan tài chính Charles Schwab tin rằng báo cáo việc làm mới công bố của Mỹ đã làm dấy lên sự lạc quan về tình hình kinh tế của Mỹ cũng như thế giới cho phép các nhà đầu tư “thở phào” sau những quan ngại về chiến tranh thương mại đã tác động tiêu cực tới thị trường trong thời gian qua. 

Kỳ vọng vào một mùa công bố lợi nhuận doanh nghiệp vượt kỳ vọng càng tiếp sức cho các TTCK châu Á vào phiên 10/7. Hai chỉ số chủ chốt của sàn Tôkyô và Thượng Hải đều tăng điểm: chỉ số Nikkei-225 tăng 144,71 điểm lên 22.196,89 điểm và chỉ số SCI tăng 12,52 điểm lên 2.827,63 điểm. Tuy nhiên, chuyên gia Stephen Innes từ Công ty OANDA cảnh báo rằng thị trường vẫn còn tồn tại nhiều bất ổn và sẽ có thể đối mặt với nhiều biến động hơn nữa, khi Mỹ bước vào thời kỳ căng thẳng thương mại với nhiều nước.

Phiên 10/7, ghi dấu phiên thứ tư liên tiếp Phố Wall “xanh sàn” nhờ nhà đầu tư càng thêm kỳ vọng vào kết quả khả quan của mùa công bố lợi nhuận doanh nghiệp quý II. Giới phân tích dự báo, lợi nhuận quý II của khối doanh nghiệp Mỹ sẽ tăng 20% hoặc hơn so với cùng kỳ năm 2017, nhờ diễn biến tích cực của nền kinh tế Mỹ và tác động từ chương trình cắt giảm thuế doanh nghiệp được triển khai từ hồi năm ngóai. Chốt phiên này, chỉ số DJ tăng 0,6%, lên 24.919,66 điểm; chỉ số S&P 500 tiến 0,4% lên 2.793,84 điểm và chỉ số Nasdaq "nhích" nhẹ gần 0,1% lên 7.759,20 điểm.

 TTCK châu Á phục hồi dần về cuối tuần sau phiên 11/7 mất đà khi những lo ngại về cuộc chiến thương mại đã dịu xuống nhờ những hy vọng rằng Trung Quốc và Mỹ cuối cùng sẽ đi đến thỏa hiệp, trong khi TTCK vẫn đang dồn sự chú ý vào sự bắt đầu của mùa công bố lợi nhuận doanh nghiệp. Chốt phiên cuối tuần (phiên 13/7), chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản tăng 1,9% lên 22.597,35 điểm. Chỉ số Hang Seng tại sàn Hồng Kông ghi thêm 0,2% lên 28.525,44 điểm. 

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc trong quý II/2018 (chỉ tăng 6,7%) đã làm các sàn châu Á mất đà khi bước sang tuần mới (16/7).

Chuyển động trên TTCK Phố Wall cũng giống như TTCK châu Á khi càng về cuối tuần, thị trường càng bứt phá mạnh mẽ hơn, bỏ qua phiên giao dịch ngày 11/7 rơi vào vùng âm do lo ngại về mức đánh thuế bổ sung của Washington đối với lượng hàng nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc. Chính xu hướng mua vào đã tiếp sức cho TTCK và đẩy chỉ số Nasdaq lên đỉnh cao mới 7.823,92 điểm vào cuối phiên 12/7. Theo chân Nasdaq, chỉ số S&P 500 tăng lên mức cao nhất trong hơn 5 tháng là 2.801,31 điểm vào phiên sau đó (13/7) nhờ tâm lý lạc quan của giới đầu tư về mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp. 

Tuần thứ ba từ phiên giao dịch ngày 16/7 đến 20/7: Phố Wall lại có kỷ lục 

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc trong quý II/2018 (chỉ tăng 6,7%) đã làm các sàn chứng khóan châu Á mất đà khi bước sang tuần mới (16/7). Giữa bối cảnh căng thẳng thương mại giữa nước này và Mỹ leo thang và làn sóng bán tháo của nhóm cổ phiếu năng lượng càng nhấn chìm các sàn châu Á vào phiên kế tiếp (17/7) trong lúc lòng tin của nhà đầu tư vẫn khá “mong manh” bởi những lo ngại về các tranh chấp thương mại vẫn tiếp diễn. Chốt phiên 17/7, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm tới 357,98 điểm xuống 28.181,68 điểm; chỉ số SCI tại Thượng Hải để mất 15,91 điểm xuống 2.798,13 điểm. Tuy nhiên, sàn Tôkyô lại là "điểm sáng" hiếm hoi khi chỉ số Nikkei-225 ghi điểm phiên thứ ba liên tiếp (sau phiên 16/7 đóng cửa nghỉ lễ) với 100,01 điểm lên 22.697,36 điểm.

Description: http://tapchichungkhoanvietnam.vn/knd/tt/PublishingImages/238/46.png?width=1000

Nhìn sang Phố Wall, mở phiên đầu tuần (16/7) với diễn biến trái chiều, TTCK đã lấy lại đà cả hai phiên sau đó sau khi Chủ tịch Jerome Powell của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra nhận định lạc quan về triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, các nhà quan sát thị trường hy vọng một mùa lợi nhuận khởi sắc sẽ là chất xúc tác giúp các thị trường "thăng hoa" và xua tan âu lo về nguy cơ cuộc chiến thương mại và chính sách tiền tệ (CSTT) thắt chặt. Nhờ đó, Nasdaq lại có thêm một tuần xác lập kỷ lục mới 7.855,12 điểm (phiên 17/7) và cao hơn khoảng 30 điểm so với mức cao kỷ lục vừa xác lập ngày 13/7. 

Được tiếp sức từ Phố Wall, sức bật trên các sàn châu Á càng mạnh mẽ hơn trong phiên 18/7, song sang phiên 19/7, thị trường lại hết sức chật vật để níu kéo đà tăng ở đầu phiên và phần lớn mất điểm vào cuối phiên khi đồng Nhân dân tệ (NDT) rơi xuống mức thấp nhất trong vòng một năm qua. Chỉ số Nikkei-225 của Tôkyô để mất 29,51 điểm xuống 22.764,68 điểm, chấm dứt chuỗi bốn ngày đi lên liên tiếp, do giới đầu tư đẩy mạnh bán ra chốt lời. Chỉ số Hang Seng giảm 106,56 điểm xuống 28.010,86 điểm và chỉ số SCI mất 14,71 điểm xuống 2.772,55 điểm. Dù vậy, thị trường đã đổi màu cho phần lớn các sàn vào phiên cuối tuần 20/7, trong đó dẫn đầu là sàn Hồng Kông khi chỉ số Hang Seng tăng 213,62 điểm lên 28.224,48 điểm. 

Trong khi đó, lo ngại các biện pháp trả đũa thuế quan của các nước đối với mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ lại khiến Phố Wall đảo chiều đi xuống trong hai phiên giao dịch ngày 19 và 20/7. Không chỉ đe dọa sẵn sàng áp thuế với tất cả 500 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, mà Tổng thống Mỹ Donald Trump còn chỉ trích kế hoạch nâng lãi suất của FED, CSTT thắt chặt có thể sẽ làm giảm lợi thế thương mại của Mỹ. Chốt phiên cuối tuần, chỉ số DJ hạ 6,38 điểm xuống 25.058,12 điểm; chỉ số S&P 500 trừ đi 2,66 điểm còn 2.801,83 điểm và chỉ số Nasdaq lùi 5,1 điểm về 7.820,20 điểm. Tính chung cả tuần, các chỉ số DJ và S&P 500 lần lượt tăng 0,2% và 0,1%, trong khi chỉ số Nasdaq giảm gần 0,1%. 

Tuần cuối từ phiên giao dịch ngày 23/7 - 31/7: Cổ phiếu công nghệ lao dốc

Sang đầu tuần mới, TTCK Nhật Bản vẫn chưa có sự bứt phá và rơi vào phiên đỏ sàn thứ ba liên tiếp không chỉ do quan ngại về nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại và tiền tệ, mà còn do đồng Yên mạnh lên. Khép phiên 23/7, chỉ số Nikkei-225 tại Tôkyô giảm 1,3% xuống 22.369,99 điểm. 

Mãi tới phiên 24/7, TTCK Nhật Bản mới tìm được sắc xanh khi chỉ số Nikkei-225 ghi được 113,49 điểm lên 22.510,48 điểm do kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp khả quan. Hòa cùng xu thế đi lên đó, chỉ số SCI tại Thượng Hải cộng thêm 46,02 điểm lên 2.905,56 điểm và chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông ghi thêm 406,45 điểm lên 28.662,57 điểm. 

 Sắc xanh trở lại áp đảo Phố Wall trong phiên ngày 24/7 nhờ những thông tin về kế hoạch kích thích nền kinh tế của Trung Quốc và các báo cáo kinh doanh đầy lạc quan của các công ty lớn. Đà tăng càng nới rộng sang phiên 25/7, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) JeanClaude Juncker đạt được thỏa thuận nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng thương mại giữa hai bên. 

Xu hướng ghi điểm một phiên, rồi rơi vào vùng đỏ, sau đó lại trở lại vùng xanh cứ liên tiếp lặp đi lặp lại trên các sàn châu Á cho tới gần hết tháng. Riêng phiên cuối tháng lại là sự đan xen của hai sắc màu xanh đỏ với sắc xanh trên sàn Tôkyô (chỉ số Nikkei-225 dừng tại 22.553,72 điểm) nhờ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) lần đầu tiên sau hai năm đưa ra một vài điều chỉnh nhỏ trong CSTT siêu lỏng của nước này; Còn chỉ số Hang Seng của Hồng Kông để mất 150,12 điểm xuống 28.583,01 điểm do cổ phiếu công nghệ mất giá. 

Trong khi đó, cổ phiếu của Facebook mất giá cùng làn sóng bán tháo các mã cổ phiếu ô tô do thông tin lợi nhuận gây thất vọng đã kéo Phố Wall đi xuống trong hai phiên 26 - 27/7. Tâm điểm là cổ phiếu của Facebook trong phiên 26/7 giảm mạnh tới 19% xuống còn 176,26 USD/cổ phiếu, qua đó khiến giá trị của “ông lớn” trong ngành công nghệ này bốc hơi khoảng 119 tỷ USD trên TTCK. Đây được cho là mức thiệt hại về giá trị thị trường tồi tệ nhất trong một phiên đối với bất kỳ một công ty hay doanh nghiệp nào. Còn phiên kế tiếp Phố Wall lại chứng khiến sự mất giá của các cổ phiếu công nghệ khác như Intel (-8,6%) hay Twitter (-20,5%). 

Phiên cuối tháng 31/7 đã khép lại chuỗi ba phiên đi xuống liên tiếp ở Phố Wall do niềm tin vào triển vọng kinh tế Mỹ và đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Chốt phiên này, chỉ số DJ tăng 0,4% lên 25.414,78 điểm; chỉ số S&P 500 tiến 0,5% lên 2.816,25 điểm và chỉ số Nasdaq ghi thêm 0,5% lên 7.668,08 điểm.

Hoàng Hà
Tìm kiếm