Trong khoảng 10 đến 15 năm trở lại đây, kinh tế toàn cầu đã có những thay đổi về chất. Có 4 cụm từ đang được quan tâm, trao đổi nhiều nhất với những hàm ý sâu sắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) tạo giá trị gia tăng, đó là:
“Toàn cầu hóa và hội nhập”: Cùng với cuộc cách mạng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, việc đẩy nhanh tiến trình này làm gia tăng tốc độ chu chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ, lao động trên thế giới. Việc tiếp cận thị trường, nguồn lực trở nên dễ dàng hơn, tuy nhiên, sự cạnh tranh cũng trở nên quyết liệt hơn và tính bất định cũng cao hơn.
“Mạng sản xuất và chuỗi cung ứng khu vực/toàn cầu”: Sự bùng phát mạng sản xuất và chuỗi cung ứng gắn liền với việc lựa chọn đầu tư, đặc biệt là của các công ty xuyên quốc gia (viết tắt trong tiếng Anh là TNCs), dựa trên lợi thế so sánh của các nền kinh tế, sự gia tăng thương mại hàng hóa trung gian và sự phát triển dịch vụ kết nối, hỗ trợ. Không phải ngẫu nhiên, xuất nhập khẩu hàng hóa trung gian, linh kiện đã trở thành thành tố năng động nhất của thương mại toàn cầu.
“Thế giới tài chính”: Sự bùng phát của khu vực tài chính thể hiện ở quy mô tài sản (gấp nhiều lần tổng sản phẩm quốc nội - GDP toàn cầu), ở khả năng
sáng tạo và mức độ “tinh xảo” của các công cụ tài chính. Về hệ thống tài chính: với xu hướng hình thành các tập đoàn tài chính đa năng cũng như nhiều loại hình định chế tài chính khác nhau và chu chuyển tiền vốn nhanh đang tạo ra những cơ hội mới trong việc huy động vốn cho SXKD. Song những rủi ro cũng tăng lên ở cả cấp độ kinh tế vĩ mô và vi mô do khu vực này ngày càng có khả năng tạo tiền cũng như lợi nhuận vì tiền và lợi nhuận bây giờ đã “thoát ly” khỏi vai trị trung gian trong việc chuyển tiết kiệm sang đầu tư SXKD.
“Tăng trưởng xanh”: Đây không chỉ là khẩu hiệu có tính “mệnh lệnh” của cuộc sống mà hiện nay, tăng trưởng xanh đang trở nên hiện thực hóa cả dưới góc độ tạo dựng cách thức SXKD, tiêu dùng thân thiện với môi trường và cả trong việc hình thành phát triển lĩnh vực “xanh”, tạo giá trị gia tăng, công ăn việc làm và thu nhập.
Tăng trưởng xanh đang trở nên hiện thực hóa cả dưới góc độ tạo dựng cách thức SXKD, tiêu dùng thân thiện với môi trường và cả trong việc hình thành phát triển lĩnh vực “xanh”, tạo giá trị gia tăng, công ăn việc làm và thu nhập.
SXKD của doanh nghiệp không thể thiếu vốn. Song câu hỏi đặt ra trong bối cảnh mới là cần lưu ý tới những khía cạnh, nguyên tắc nào trong quản trị tài chính, vốn để SXKD có hiệu quả, giảm thiểu rủi ro, tăng trưởng bền vững? Đây là vấn đề phức hợp, cần được lý giải, xử lý trên nhiều khía cạnh. Trong phạm vi bài viết này, xin chỉ nêu một số cách tiếp cận, những nguyên tắc dễ nắm bắt và cũng không quá khó để có thể vận dụng.
Một là, về tiếp cận vốn:
Tiền, vốn được chu chuyển rộng khắp và vì vậy, doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn từ trong và ngoài nước. Thường có hai câu hỏi chính được đặt ra là: 1) Ai là “người có tiền” để kết nối, tiếp cận? và 2) Hình thức huy động vốn như thế nào?
Đối với câu hỏi đầu, “người có tiền” chính là các ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư, kể cả quỹ đầu tư mạo hiểm và các tổ chức tài chính khác. Tuy nhiên cũng đừng quên vai trị của Nhà nước. Tại nhiều nước đang phát triển, nhà nước là nhà đầu tư lớn, thậm chí là lớn nhất (ở Việt Nam, hiện tổng đầu tư xã hội đạt khoảng 30% GDP, còn đầu tư nhà nước chiếm tới 35% tổng đầu tư xã hội). Ngoài ra, Nhà nước còn có thể có những chính sách, chương trình hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhà nước và doanh nghiệp là bạn đồng hành, song không nên quá “gần gũi” để tạo sự đàng hoàng, minh bạch.
Liên quan đến câu hỏi thứ hai, thường có ba hình thức huy động vốn thông qua tín dụng, trái phiếu và cổ phiếu. Tín dụng không chỉ là quan hệ vay, trả giữa tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, mà còn là hợp đồng mang tính phối hợp cùng phát triển. Phát hành trái phiếu phụ thuộc nhiều vào uy tín của doanh nghiệp. Dự án đầu tư cũng phải được lập cụ thể, khả thi để khi tiền về có thể triển khai ngay, theo kịp tiến độ, hạn chế tổn phí thời gian (chi phí cơ hội). Điều quan trọng khi phát hành cổ phiếu không chỉ là tăng vốn đầu tư, mà còn là tạo sức ép cải thiện chất lượng thông tin và cách thức điều hành doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp, đây cũng là cách tạo đối tác chiến lược gắn bó để thấy hết tiềm năng, qua đó cùng phát triển doanh nghiệp và hưởng lợi.
Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ để tạo lợi thế riêng trong tiếp cận vốn mà cần nhìn thêm các góc cạnh khác có thể hỗ trợ hoạt động đó. Trước hết là tính khả thi dự án, lĩnh vực SXKD của doanh nghiệp. Rõ ràng nếu chúng nằm trong các lĩnh vực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, nhu cầu cao hay được đầu tư nhà nước quan tâm thì cơ hội tiếp cận vốn sẽ cao hơn. Một lưu ý là các định chế tài chính ngày càng coi việc có hay không khía cạnh “xanh” trong dự án, trong SXKD như một yêu cầu bắt buộc để có thể cung ứng vốn.
Tiếp đến là tài sản có và dòng tiền SXKD. Nhiều tài sản thì khả năng thế chấp vay vốn cao, song vay vốn theo dòng tiền ngày càng được lưu tâm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu là doanh nghiệp “vệ tinh” vòng càng sâu trong mạng/cụm SXKD của TNCs (doanh nghiệp đầu đàn/doanh nghiệp tiên phong), thì khả năng tiếp cận tín dụng không cần thế chấp của doanh nghiệp đó càng cao. Chính sự kết nối và đơn đặt hàng của TNCs là “thế chấp” đảm bảo vốn vay.
Ngoài ra, các công cụ huy động vốn (tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu) có mức độ rủi ro khác nhau, song lại có khả năng chuyển đổi, và đây chính là tiền đề suy tính về cách thức lập kế hoạch huy động vốn và đàm phán, “mặc cả” giữa doanh nghiệp và định chế “có tiền”.
Hai là, tài sản và dòng tiền
Người xưa thường nói: buôn tài không bằng dài vốn. Đúng là nếu có nhiều tài sản, vốn liếng thì doanh nghiệp có nhiều lợi thế kinh doanh hơn. Song lợi thế này đang có xu hướng ít nhiều giảm dần cùng với quá trình toàn cầu liên kết, hội nhập tài chính. Vấn đề là ý tưởng, kế hoạch SXKD và khả năng tạo lợi nhuận, dòng tiền từ tài sản.
Chính vì vậy, cần xem trọng cả hai mặt: giá trị tài sản và dòng tiền. Trong điều kiện SXKD tương đối thuận lợi, có thể để trọng số giá trị tài sản cao hơn; còn trong bối cảnh chung khó khăn, suy thoái, nên đặt trọng số cao hơn cho dòng tiền. Điều này càng cần đặc biệt lưu ý đối với doanh nghiệp Việt Nam - đất nước vốn dựa nhiều vào vốn tín dụng (vốn vay trên vốn sở hữu hay đòn bẩy tài chính cao). Do vậy, “tài sản tạo tiền” mới là quan trọng, còn tài sản chủ yếu dựa vào vốn tín dụng đôi khi sẽ trở thành rủi ro đối với doanh nghiệp.
Bản thân các tài sản cũng có tính thanh khoản khác nhau theo nhu cầu thị trường (ví dụ: đối với các tài sản tài chính, vàng và bất động sản, thì tiền mặt có tính thanh khoản cao nhất, sau đó thường là vàng, cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản). Việc dịch chuyển tài sản không chỉ cần quan tâm đến khả năng sinh lời mà cả chi phí thời gian dịch chuyển và tính thanh khoản của các tài sản.
Dòng tiền nên được nhìn nhận theo cả hai nghĩa là dòng tiền có tính “thường xuyên” và dòng tiền “cơ hội” (phát sinh do cơ hội “bất thường” nào đó). Dòng tiền “thường xuyên” phản ánh tính bền vững của hoạt động SXKD, trong khi dòng tiền “cơ hội”, nếu có, cần được sử dụng có lý trí hơn. Thông lệ tốt là biết tiết kiệm tiền “cơ hội” chỉ khi gặp khó khăn hoặc đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi mà doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đây cũng chính là bài học của nhiều chính phủ vì đã không có chính sách “đối chu kỳ1” thích hợp, vung tay quá trán khi nguồn thu tăng cao nhờ giá cả một số mặt hàng khai khống tăng đột biến.
Ba là, quản trị sự bất định
Dù muốn hay không chúng ta cũng phải đối mặt với một thế giới còn đầy bất định/rủi ro. Điều quan trọng là phải học cách “sống” với các loại “sốc” (giá cả, thị trường, chính sách...) có thể diễn ra. Nguyên tắc quản trị sự bất định chính là làm giảm mức độ bất định, hay làm tăng sự xác định. Mặc dù điều này không có nghĩa đảm bảo chắc thắng, có lợi nhuận, song nó cho phép doanh nghiệp có thể dễ dàng tính toán, cân đo đong đếm hơn trong việc lập kế hoạch SXKD.
Cách thức “dễ nhất” là chuyển “rủi ro” cho người khác,và tất nhiên, phải trả phí. Đó là thực hiện cơ chế bảo hiểm (Công ty bảo hiểm dùng nguyên tắc lấy phí số đông trả bảo hiểm số ít gặp rủi ro, và vì vậy vẫn “thắng”).
Cách nữa là sử dụng những công cụ phái sinh (như kỳ hạn, quyền chọn…), xác định giá tương lai (hàng hóa, tỷ giá, lãi suất...) một cách tường minh ngay hôm nay trong hợp đồng. Dó nhiên, để ‘chơi” tốt được các công cụ này, cần có những người chơi chuyên nghiệp và vì vậy, cần chuẩn bị kỹ càng, nhất là về nguồn nhân lực.
Việc hiểu “luật chơi”, nhất là trong các cam kết tài chính và thương mại quốc tế, cũng là cách để giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro trong SXKD. Không ít doanh nghiệp Việt Nam đã vấp phải cú sốc khi đối tác khởi kiện đòi bồi thường tài chính, hay đòi áp đặt thuế chống bán phá giá lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Vì vậy, hiểu cơ sở pháp lý/cơ chế, quy trình giải quyết tranh chấp và biết “đối thoại” pháp lý là yêu cầu cấp bách đối với doanh nghiệp để có thể tranh luận và thực thi đảm bảo hợp đồng kinh doanh và quyền lợi của doanh nghiệp.
Bản thân các doanh nghiệp phải tự mình hay nhờ tư vấn thực hiện các bài “tests”2 đối với chính doanh nghiệp. Với các giả định tình huống xấu khác nhau có thể xảy ra (về thay đổi cầu thị trường, đối tác, biến động tỷ giá, lãi suất…), các bài tests này sẽ giúp doanh nghiệp ước lượng được tài sản và dòng tiền của mình sẽ biến động như thế nào. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể tìm ra phương án thích hợp để đối phó với các cú sốc khác nhau, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại có thể có.
Nhìn nhận một cách khái quát, nói đến tài chính là nói đến lòng tin. Huy động vốn và vay nợ là một phần cuộc sống của doanh nghiệp, vấn đề là làm thế nào để tạo dựng/ chứng minh khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Ở đây, tài sản chưa hẳn là sức mạnh, mà chính là dòng tiền và tài sản tạo tiền. Người viết bài này còn nhớ một đoạn viết trong một cuốn sách, đại ý là: Tổng số vàng khai thác trên Trái đất chỉ là phần rất nhỏ so với giá trị mà nhân loại tạo ra nhờ tư duy, sự sáng tạo, ý chí và các chương trình hành động của mình. Đó mới thực sự là gốc rễ của sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.
Chú thích:
1 Chính sách đối chu kỳ (Counter-Cyclical Policy): chính sách, biện pháp đối phó với chu kỳ kinh tế.
2 Test: bài kiểm tra, thử thách dựa trên tình huống giả định.