KHỞI ĐỘNG THÀNH CÔNG ĐỂ TĂNG TỐC VỀ PHÍA TRƯỚC

15/08/2018 22:11
Theo dòng sự kiện

Sau một năm được đưa vào vận hành (tháng 8/2017), thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) Việt Nam đã trưởng thành rõ rệt và ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Hiện tại, chứng khoán phái sinh (CKPS) đã trở thành một kênh phòng ngừa rủi ro cũng như đầu tư song hành và không thể thiếu với thị trường chứng khoán (TTCK) cơ sở.

Cùng nhìn lại một năm TTCKPS 

Nhìn lại chặng đường 01 năm, có thể thấy sự phát triển của TTCKPS được chia làm hai giai đoạn, tương ứng với những thăng trầm của TTCK cơ sở. 

Giai đoạn thứ nhất, từ tháng 8/2017 tới đầu tháng 4/2018, TTCKPS giao dịch với thanh khoản cầm chừng ở mức 1.500 tỷ đồng/ phiên, tương đương hơn 15.000 hợp đồng. Ở giai đoạn này, khối lượng giao dịch (KLGD) hàng ngày dao động từ 2 đến 3 lần khối lượng mở, tương đương với các thị trường khu vực như Đài Loan, Nhật Bản.

Giai đoạn thứ hai, từ giữa tháng 4 đến nay, TTCKPS chứng kiến giá trị giao dịch (GTGD) nhảy vọt lên mức hơn 10.000 tỷ đồng/phiên, đạt đỉnh 14.700 tỷ đồng với 164.000 hợp đồng tương lai (HĐTL) trong phiên ngày 10/7/2018, cao gấp 3 lần GTGD trên TTCK cơ sở. Cùng với thanh khoản gia tăng, tốc độ quay vọng của dọng tiền cũng được đẩy nhanh nhờ lợi thế giao dịch trong phiên T+0. KLGD tăng mạnh trong khi khối lượng mở tăng chậm hơn khiến vọng quay tăng lên tới 10 lần trong giai đoạn này. Các giao dịch ngắn hạn trong phiên chiếm tỷ trọng áp đảo, một hệ quả dễ thấy trước bởi CKPS thường phát huy lợi thế trước những biến động nhanh của thị trường cơ sở. 

Cùng với sự gia tăng thanh khoản, quy mô thị trường cũng gia tăng. Quy mô tính bằng khối lượng hợp đồng mở (OI) đã liên tục tăng và đạt mức 1.700 tỷ đồng vào cuối tháng 7/2018, vẫn khá nhỏ so với thị trường cơ sở nên TTCKPS vẫn còn rất nhiều dư địa cho tăng trưởng. 

Hơn nữa, nhà đầu tư nước ngòai (ĐTNN) tham gia không đáng kể vào thị trường phái sinh, chỉ đạt khoảng 0,1% giao dịch tòan thị trường. Do đó, sự tham gia sâu rộng của nhà ĐTNN có thể sẽ là một cú hích quan trọng cho sự phát triển của TTCKPS trong thời gian tới.

Nhìn về phía trước, TTCKPS sẽ còn tiếp tục phát triển cả về chất lẫn về lượng. Số lượng sản phẩm CKPS sẽ ngày một gia tăng, mang đến nhiều lựa chọn hơn cho nhà đầu tư và cũng làm tăng tính hấp dẫn của TTCKPS. Một năm qua, nhà đầu tư đã quen với giao dịch HĐTL, đây là giai đoạn khởi động tốt để tăng tốc trong những năm tiếp theo. 

Cùng với đó, sẽ có những vấn đề mới nảy sinh cần quan tâm xử lý. Dưới đây là những vấn đề nóng hổi và chúng tôi sẽ đi sâu vào phân tích với mong muốn mang đến một góc nhìn đa chiều để có những hướng xử lý hợp lý nhất. 

Thứ nhất là vài trị của nhà đầu tư cá nhân trên TTCKPS. Tỷ trọng gần như tuyệt đối của nhà đầu tư cá nhân trong nước vào thị trường phái sinh là điều không bất ngờ bởi ngay cả trên TTCK cơ sở, nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng chiếm tới 3/4 tổng GTGD. 

Sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân và tâm lý đầu tư ngắn hạn cần được nhìn nhận một cách công bằng. Ở khía cạnh tích cực, đó là làm tăng thanh khoản, một giá trị cơ bản và cốt lõi của TTCK. 

Vì lẽ này, không nên và không có lý do để hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân vào thị trường, dù là TTCK cơ sở hay TTCKPS. Thay vào đó, cần thông tin đầy đủ về cơ hội, rủi ro cho nhà đầu tư và để nhà đầu tư quyết định. 

Khi có thanh khoản, sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức với quy mô đầu tư lớn mới có thể bắt đầu. Trước tiên, họ có thể sử dụng CKPS như là một công cụ phòng ngừa rủi ro hoặc gia tăng lợi nhuận cho danh mục cổ phiếu có sẵn. Trong tương lai, việc hình thành các quỹ đầu tư đòn bẩy chỉ số sử dụng HĐTL sẽ là một kênh huy động vốn mới giúp thu hút thêm dọng tiền từ nước ngòai vào Việt Nam. 

Thứ hai, đó là câu chuyện có hay không sự cạnh tranh dọng vốn giữa TTCK cơ sở và TTCKPS. Số liệu giao dịch trên TTCKPS trong giai đoạn bùng nổ thanh khoản cho thấy mặc dù thanh khoản gia tăng, giao dịch trong ngày chiếm đại đa số. KLGD trong ngày gấp khoảng 10 lần khối lượng mở (OI) cuối ngày. Đây cũng là điểm khác biệt rất lớn giữa thị trường Việt Nam và các thị trường phát triển, nơi KLGD là thiểu số so với khối lượng mở do xu hướng đầu tư mang tính dài hạn hơn. 

Cùng với KLGD gia tăng, khối lượng mở cũng có sự cải thiện, tuy nhiên mức tăng không đáng kể. Trong khi KLGD bình quân phiên trong 1 tháng gần đây đã tăng gấp 3 lần mức độ giao dịch hồi đầu năm, từ 40.000 hợp đồng/phiên lên 130.000 hợp đồng/phiên, thì khối lượng OI chỉ tăng nhẹ từ mức trung bình hơn 10.000 hợp đồng lên 15.000 hợp đồng trong tháng 7/2018. 

Bên cạnh đó, do giá trị một hợp đồng hiện đã giảm đáng kể, nên tổng giá trị OI vẫn chỉ ở khoảng 1.500 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 1.000 tỷ đồng trong những tháng đầu năm. Đây là tổng giá trị danh nghĩa của các HĐTL đang giao dịch, giá trị thực tế của dòng vốn đầu tư vào thị trường nhỏ hơn do hiệu ứng đòn bẩy phái sinh. 

Giá trị này không đáng kể so với lượng tài sản trên thị trường cơ sở và thực tế cũng tăng không nhiều khi thị trường cơ sở lao dốc. Do đó, không có đủ cơ sở để cho rằng TTCKPS hút vốn từ TTCK cơ sở và làm ảnh hưởng đến thị trường cơ sở. 

Thứ ba là việc quản trị rủi ro trên TTCKPS. Trong giai đoạn thị trường biến động mạnh vừa qua, chúng ta đã có một động tác hợp lý là tăng tỷ lệ ký quỹ với các HĐTL. Điều chúng ta cần làm nhiều hơn đó là truyền thông một cách rõ ràng, đầy đủ về ý nghĩa của việc tăng tỷ lệ ký quỹ. 

Trên thế giới, việc thay đổi tỷ lệ ký quỹ không phải hiếm. Đây là công cụ để các sở giao dịch điều tiết thị trường bằng cách điều chỉnh linh hoạt tỷ lệ này phù hợp với diễn biến thị trường và mức độ rủi ro hiện hữu. Cụ thể, họ có thể nâng tỷ lệ ký quỹ khi nhận thấy rủi ro thị trường đang có xu hướng gia tăng và giảm tỷ lệ ký quỹ khi rủi ro giảm bớt.

Trong năm 2011, khi giá Bạc tăng lên sát ngưỡng 50 USD/ounce, rủi ro tăng mạnh cùng với mức độ biến động giá lớn, sàn giao dịch tương lai lớn nhất thế giới CME Group đã nâng tỷ lệ ký quỹ 11 lần trong năm. Cũng trong thời gian đó, thị trường Đồng đi ngang khá ổn định, rủi ro với các HĐTL không đáng kể khiến sở giao dịch giảm tỷ lệ ký quỹ 2 lần trong cùng thời kỳ. 

Như vậy, cần truyền thông cho các nhà đầu tư hiểu về 2 điểm liên quan tăng tỷ lệ ký quỹ phái sinh. Một là cần tăng tỷ lệ ký quỹ khi nhận thấy rủi ro thị trường tăng. Rủi ro ở đây phải hiểu là rủi ro liên quan đến biến động giá chứ không phải xu hướng giá. Ngay cả khi thị trường tăng, nhưng mức biến động giá lớn thì việc tăng tỷ lệ kỹ quỹ cũng có thể thực hiện để giảm thiểu việc chạm ngưỡng cảnh báo hoặc thua lỗ lớn cho nhà đầu tư. Hai là tỷ lệ ký quỹ không chỉ có một chiều tăng mà có tăng và có giảm. Khi biến động thị trường giảm bớt thì cũng cần giảm tỷ lệ ký quỹ để tăng tỷ lệ đòn bẩy, từ đó tăng khả năng sinh lời và hấp dẫn với nhà đầu tư. 

Suy ra với TTCK của Việt Nam, nếu trong thời gian tới, biến động của thị trường giảm, thị trường cơ sở có xu hướng đi ngang, chúng ta nên giảm tỷ lệ ký quỹ với HĐTL.

Thứ tư là tăng cường công khai minh bạch. Đây có lẽ không phải chỉ là vấn đề riêng của phái sinh mà là của tòan bộ TTCK nói chung. Trong những năm qua, chúng ta đã có những quy định mới, những bước tiến mới để tăng cường minh bạch hóa TTCK nhưng rõ ràng phía trước vẫn còn một chặng đường dài. 

Vấn đề công khai minh bạch phải được đề cao và thực hiện đồng bộ, hiệu quả để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư cũng như sự công bằng giữa TTCK cơ sở và TTCKPS. Thị trường phái sinh về bản chất là dựa vào thị trường cơ sở nên sẽ không có thị trường phái sinh minh bạch nếu không có một thị trường cơ sở minh bạch.

Lợi ích của tính công khai minh bạch là rất lớn và thực tế đã được phản ánh vào giá và tỷ lệ sở hữu nước ngòai của nhiều cổ phiếu. Trong tương lai, tính công khai minh bạch sẽ là một nhân tố quan trọng giúp nâng hạng TTCK nói chung, từ đó thu hút dọng tiền lớn hơn cho phát triển kinh tế. 

Một năm là giai đoạn khởi động quan trọng để tạo bàn đạp cho sự phát triển nhanh hơn cho tương lai. Dù còn nhiều bộn bề, chúng tôi tin rằng TTCKPS sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công mới, mang lại nhiều lợi ích mới cho nhà đầu tư và cho nền kinh tế nói chung.

Nguyễn Đức Hùng Linh
Tìm kiếm