Kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn khó khăn
Từ nửa cuối tháng 2/2016, các thị trường tài chính, chứng khoán thế giới đã có sự hồi phục nhẹ. Từ mức thấp nhất trong hơn hai năm (kể từ tháng 7/2013), ngày 11/2, chỉ số MSCI của các thị trường chứng khoán toàn cầu đã hồi phục tới 6,1%, chủ yếu nhờ sự hy vọng vào các biện pháp can thiệp để hỗ trợ nền kinh tế ở châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy vậy, nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngại về khả năng phục hồi của thị trường, hoặc coi đây như là sự “phản hồi” kỹ thuật trong thời gian ngắn rồi lại tụt dốc sau đó. Nếu vậy, tình hình kinh tế lần này sẽ tương tự như cuộc khủng hoảng năm 2008 và xu hướng này ngày càng khiến cho nền kinh tế thế giới thêm u ám.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng giá dầu và giá nguyên liệu đầu vào thấp đã dẫn đến sự suy thoái kinh tế của nhiều nước xuất khẩu các mặt hàng này như Nga, Venezuela, Brazil, gián tiếp tác động đến các nền kinh tế mới nổi và thậm chí làm ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Nhiều nhận định bi quan cho rằng, sự sụt giảm của giá dầu và nguyên liệu đầu vào có thể giống như vụ phá sản của Ngân hàng Lehman Brother hồi năm 2008, mở đầu cho cuộc đại khủng hoảng kinh tế mà đến nay thế giới vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Cổ phiếu ngân hàng ở châu Âu và Mỹ đã sụt giảm mạnh từ đầu năm 2016 bởi các rủi ro tín dụng mà các ngân hàng đã làm ngơ, đặc biệt là với sự mất giá dầu.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong khi xu hướng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc có chiều hướng gia tăng. Kinh tế nước này đã thật sự giảm tốc và nguy cơ “hạ cánh cứng” không phải là không có cơ sở. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm mạnh khiến khả năng thanh khoản trên thị trường yếu đi và quan trọng hơn là làn sóng thoái vốn mạnh mẽ tại nước này với bình quân trên 100 tỷ USD/tháng và hơn 1.000 tỷ USD đã bị rút đi chỉ trong năm 2015.
Theo Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, việc áp dụng chính sách lãi suất âm để đối phó với tình trạng giảm phát là có lợi cho nền kinh tế toàn cầu. Bà Lagarde khẳng định, lãi suất âm là chính sách đúng đắn trong các điều kiện kinh tế hiện nay bởi nếu không có chính sách này, môi trường kinh tế có lẽ đã tồi tệ hơn nhiều, với lạm phát và tốc độ tăng trưởng chắc chắn thấp hơn mức hiện nay. ECB, BoJ và các NHTW của Thụy Điển, Đan Mạch, Thụy Sỹ đã đồng loạt áp dụng chính sách lãi suất âm trong nỗ lực hối thúc các ngân hàng thương mại (NHTM) bơm thêm tiền vào nền kinh tế nhằm kích thích chi tiêu và đầu tư. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), bà Janet Yellen mới đây cho biết ngân hàng này đang theo dõi tác động của chính sách lãi suất âm tại các nền kinh tế.
Trong khi đó, Phó Giám đốc điều hành IMF, ông David Lipton đã cảnh báo về viễn cảnh đáng lo ngại khi các nhà hoạch định chính sách toàn cầu “cạn kiệt” các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Theo ông Lipton, các nhà lãnh đạo toàn cầu phải nỗ lực hơn nữa, trong đó có sử dụng các biện pháp về tài khóa và tiền tệ, đồng thời khẩn trương tiến hành các chương trình cải cách cơ cấu, để tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Ông Lipton cho biết, hầu hết những dự báo gần đây của IMF về tăng trưởng kinh tế không còn phù hợp, trong bối cảnh các thị trường mới nổi chứng kiến tình trạng rút vốn và thương mại toàn cầu giảm sút mạnh. Hơn nữa, các nguy cơ đang ngày càng tăng lên, khi các thị trường tài chính biến động và giá hàng hóa ở mức thấp làm tăng thêm những lo ngại về tình hình kinh tế thế giới.
BoJ, ECB kiên trì chính sách lãi suất âm
Kết thúc cuộc họp ngày 10/3, ECB đã thông báo cắt giảm các lãi suất chủ chốt nhằm thúc đẩy nền kinh tế của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Cụ thể, ECB đã giảm lãi suất tái cấp vốn từ 0,05% xuống 0%, trong khi lãi tiền gửi ngân hàng đã giảm từ âm 0,3% xuống âm 0,4%. Điều này đồng nghĩa với việc các NHTM phải trả những khoản phí đắt đỏ hơn nếu muốn gửi các khoản tiền dư thừa của mình tại ECB.
ECB cũng thông báo sẽ chi thêm hàng chục tỷ Euro để phục hồi nền kinh tế yếu kém kéo dài của Eurozone. Theo đó, ECB sẽ tăng lượng mua vào trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp tư nhân (ngoại trừ ngân hàng) với xếp hạng tín nhiệm đáng đầu tư theo chương trình nới lỏng định lượng, từ mức 60 tỷ Euro lên 80 tỷ Euro/tháng, nâng quy mô mua trái phiếu lên hơn 1,7 nghìn tỷ Euro (1,9 nghìn tỷ USD) từ mức 1,1 nghìn tỷ Euro, trên cả sự kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế. Biện pháp mở rộng chương trình mua vào trái phiếu của ECB nhằm kích thích nền kinh tế và đẩy lùi nguy cơ giảm phát.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo nỗ lực dài hơi nhằm ngăn chặn giảm phát và phục hồi nền kinh tế Eurozone còn lâu mới kết thúc dù ECB đã tung ra các biện pháp kích thích chưa có tiền lệ. Các nhà kinh tế cho rằng, tác động cuối cùng của các biện pháp kích thích trên đến nền kinh tế vẫn là một ẩn số, khi lạm phát tại Eurozone thấp và tăng trưởng kinh tế gần như toàn khu vực là èo uột bất chấp những nỗ lực trước đó của ECB.
ECB thông báo sẽ chi thêm hàng chục tỷ Euro để phục hồi nền kinh tế yếu kém kéo dài của Eurozone bằng cách tăng lượng mua vào trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp tư nhân (ngoại trừ ngân hàng) với xếp hạng tín nhiệm đáng đầu tư theo chương trình nới lỏng định lượng.
Theo Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s, dựa vào tính hiệu quả của những chính sách trước đây, chính sách mới nhất của ECB có thể có một tác động hạn chế, ngoài việc cho thấy sự sẵn sàng hành động. Theo Moody’s, trong khi hạ chi phí tài chính của các ngân hàng, các biện pháp mới sẽ không thể thúc đẩy hoạt động cho vay, bởi thanh khoản không phải là trở ngại chính của nhiều ngân hàng.
Bất chấp một loạt biện pháp mà ECB thực hiện nhằm đẩy lùi nguy cơ giảm phát, tỷ lệ lạm phát trong tháng 2/2016 tại Eurozone đã rơi xuống âm 0,2% lần đầu tiên trong 5 tháng qua, trong khi mức mục tiêu là 2%. Kinh tế Eurozone duy trì tăng trưởng trong năm qua ở một biên độ hẹp và tương đối thấp. Do vậy, không nhiều nhà kinh tế dự đoán về một sự tăng tốc trong quý I năm nay.
Trong khi đó, kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày 14 - 15/3, BoJ quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ (CSTT) hiện hành, mặc dù có đánh giá kém hơn về nền kinh tế, trong khi chờ hiệu quả của việc áp dụng lãi suất âm lần đầu tiên vào đầu năm nay. Tại cuộc họp, Ủy ban Chính sách của BoJ hạ đánh giá về nền kinh tế, viện dẫn việc xuất khẩu và sản xuất công nghiệp gần đây bị chững lại do tăng trưởng chậm hơn ở các nền kinh tế mới nổi. BoJ nhận định, kinh tế Nhật Bản “tiếp tục xu hướng phục hồi khiêm tốn”, trong khi tuyên bố của cuộc họp lần trước đánh giá ngắn gọn hơn là nền kinh tế “phục hồi khiêm tốn”. Theo tuyên bố của cuộc họp, lạm phát có thể vẫn ở mức khoảng 0% hiện nay nhưng sẽ hướng đến mức mục tiêu 2%.
Tại cuộc họp lần trước vào cuối tháng Một, BoJ quyết định áp dụng chính sách lãi suất âm đối với tiền gửi của các NHTM tại BoJ. Động thái này nhằm khuyến khích các ngân hàng cho vay, từ đó thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda đề cập tới biến động trên các thị trường tài chính và tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc khi đưa ra mức lãi suất âm 0,1%. BoJ cũng thông báo sẽ không thay đổi chính sách tăng nguồn cung tiền khoảng 80 nghìn tỷ Yên (705 tỷ USD)/năm thông qua kế hoạch mua tài sản. Sau khi BoJ ban hành chính sách lãi suất âm, một số ngân hàng đã hạ lãi suất thế chấp và lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp. Mặc dù chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy các doanh nghiệp và các gia đình tăng vay tiền, BoJ cho rằng cần thời gian để chính sách này phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định BoJ sẽ buộc phải hành động sau khi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới suy giảm trong quý IV/2015. Nhà phân tích Marcel Thieliant thuộc Capital Economics cho rằng hoạt động kinh tế yếu và đồng Yên mạnh lên cho thấy các nhà hoạch định chính sách của BoJ sẽ sớm phải thông báo các biện pháp nới lỏng CSTT hơn nữa, có thể là vào tháng Tư.
Về tình hình kinh tế Nhật Bản, theo số liệu được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 8/3, kinh tế nước này trong quý IV/2015 giảm nhẹ hơn so với ước tính ban đầu, nhưng chi tiêu tiêu dùng tư nhân vẫn yếu, cho thấy những thách thức mà Thủ tướng Shinzo Abe phải đối mặt trong việc phục hồi tăng trưởng. Cụ thể, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong quý IV/2015 giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhẹ hơn so với mức giảm 1,4% theo ước tính sơ bộ.
FED cũng thận trọng hơn
Kết thúc cuộc họp chính sách trong hai ngày 15 - 16/3, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - đã quyết định hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới trong năm nay xuống 2,2%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 12/2015. Theo FOMC, kinh tế của Mỹ vẫn tăng trưởng với tốc độ vừa phải bất chấp tình trạng không lạc quan của kinh tế thế giới trong những tháng qua, nhưng vẫn có nhiều nguy cơ tồn tại có thể đe dọa nền kinh tế số một thế giới này. FOMC dự báo thị trường lao động sẽ tiếp tục mạnh lên, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống 4,7% vào cuối năm từ mức 4,9% hiện nay, lạm phát cũng giữ ở mức rất thấp là 1,2% cho đến cuối năm.
FED cũng quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0,25 - 0,5% như hiện nay, đồng thời đưa ra kế hoạch mới về tăng lãi suất. Theo kế hoạch này, lãi suất sẽ lên mức 0,9% vào cuối năm nay sau hai lần tăng, ít hơn một nửa so với số lần tăng theo kế hoạch hồi tháng 12/2015. Sở dĩ FED không tăng lãi suất vào thời điểm này do nhiều yếu tố, trong đó có những quan ngại về tốc độ tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc, châu Âu và các nền kinh tế đang nổi. Ngoài ra, việc ECB vừa đưa ra gói kích thích kinh tế, cùng với việc các NHTW trên toàn cầu vẫn đang trong xu hướng điều chỉnh cũng khiến NHTW Mỹ phải thận trọng trong CSTT.
Phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch FED Janet Yellen cho biết FOMC đã chọn lựa một con đường phù hợp hơn so với tháng 12/2015, trong bối cảnh đầu tư doanh nghiệp Mỹ và xuất khẩu khá yếu trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, bà khẳng định quyết định này một phần phản ánh mức độ ảnh hưởng của nền kinh tế và tài chính toàn cầu đối với kinh tế Mỹ. Bà Yellen cũng nhấn mạnh không có dấu hiệu rõ ràng rằng lạm phát đang gia tăng.
Ngày 29/3, phát biểu tại Câu lạc bộ kinh tế New York về triển vọng kinh tế Mỹ và CSTT của FED, Chủ tịch FED khẳng định các nhà hoạch định chính sách của NHTW sẽ “hành động một cách thận trọng” trong việc nâng lãi suất, kế hoạch thắt chặt CSTT của Mỹ sẽ diễn ra “chậm và từ từ” trong những năm tới, và quyết định FED sẽ phụ thuộc vào những đánh giá đối với tình hình kinh tế Mỹ và thế giới. Bà Yellen cũng đề cập đến hai rủi ro là tình trạng giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và triển vọng không mấy tích cực của thị trường hàng hóa, đặc biệt là giá dầu, vẫn “phủ bóng đen” lên nền kinh tế toàn cầu.
Về tình hình kinh tế Mỹ, theo số liệu mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,4% trong quý IV/2015, cao hơn gấp đôi so với ước tính ban đầu là 0,7% nhưng thấp hơn mức tăng 2% trong quý III và tăng trưởng 2,4% cả năm. Chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ, chiếm tới 2/3 nền kinh tế lớn nhất thế giới này, trong quý cuối năm ngoái tăng 2,4%, cao hơn so với con số ước tính ban đầu là 2%. Như vậy, chi tiêu tiêu dùng tăng khá đã củng cố nền kinh tế Mỹ và có thể tiếp tục làm giảm những lo ngại về nguy cơ suy thoái sẽ xảy ra.
Bộ Lao động Mỹ ngày 4/3 công bố số liệu cho thấy trong tháng Hai, thị trường lao động Mỹ đã tạo thêm 242.000 việc làm mới, xua đi nỗi lo về cuộc khủng hoảng tài chính nói chung cũng như khủng hoảng giá dầu nói riêng đang diễn ra tại nước này. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng vẫn duy trì ở mức 4,9%, mức “đáy” trong 8 năm qua. Các số liệu thống kê này có thể phần nào được coi là “tín hiệu” vui cho thấy nền kinh tế Mỹ đang dần phục hồi.