KỲ VỌNG SỨC BẬT CUỐI NĂM

15/11/2015 21:37
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đi qua tháng 10/2015 với nhiều diễn biến tích cực cả về điểm số và thanh khoản. Trong tháng, mặc dù thị trường chỉ ghi nhận 12/22 phiên tăng điểm, nhưng chỉ số VN Index trên Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) lại có mức tăng 7,95% so với tháng 9/2015, đóng cửa thị trường tháng 10 ở mức 607,37 điểm; thanh khoản trên cả 2 SGDCK (HOSE và SGDCK Hà Nội - HNX) cũng tăng lên rõ nét với giá trị giao dịch (GTGD) bình quân/phiên đạt trên 2.600 tỷ đồng (tăng 30% so với tháng 9/2015).
Theo dòng sự kiện

 Đặc biệt, thị trường đã quay trở lại những phiên có GTGD toàn thị trường đạt trên 3.500 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là đồng tiền có dấu hiệu “nhập cuộc” ngay sau khi sự kiện Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán cùng nhiều thông tin vĩ mô tích cực đáng chú ý khác như việc thoái vốn của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại 10 doanh nghiệp lớn...… 

Diễn biến chung của thị trường 

Sau hai tháng trầm lắng, TTCK Việt Nam đã có những diễn biến tích cực ngay sau khi nhận được thông tin đàm phán TPP kết thúc. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), TPP sẽ giúp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng từ 8 - 10% cho đến năm 2030, tương đương 0,5 -  0,67% GDP/năm. Sự tăng trưởng của TTCK cũng tỷ lệ thuận với tăng trưởng của GDP, do vậy, không khó để lý giải vì sao thị trường lại có phản ứng tích cực như vậy với sự kiện này. Không chỉ tác động tới nhóm được hưởng lợi từ TPP, nhóm cổ phiếu dầu khí, bảo hiểm và ngân hàng cũng tăng tốt sau một thời gian gặp khó do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Theo nhận định của các chuyên gia phân tích, Hiệp định TPP khi được Quốc hội thông qua và ký kết kỳ vọng sẽ mang đến bước nhảy vọt về giao thương cho các nền kinh tế của các nước thành viên sau khi nhiều chính sách bảo hộ và thuế quan được dỡ bỏ. Với kỳ vọng đó, các mã cổ phiếu ngành dệt may như TCM (Công ty Cổ phần - CtyCP Dệt may Thành Công), STK (CtyCP Sợi Thế kỷ) đều giao dịch sôi động. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản (BĐS) được hưởng lợi một cách gián tiếp, với các mã như ITA (CtyCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo), KBC (Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc), LHG (CtyCP Long Hậu) bất ngờ thu hút đồng tiền đầu cơ và tăng giá mạnh trong thời gian ngắn. Thanh khoản trên thị trường tăng vọt khi đồng tiền quay lại, hai sàn đã đón phiên giao dịch có tổng GTGD trên 3.500 tỷ/phiên sau hơn 2 tháng giao dịch trầm lắng. Tại phiên giao dịch ngày 6/10, thị trường như bùng nổ khi chứng kiến sự hào hứng của cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài, hai chỉ số chính đều có sự bứt phá cả về điểm số và thanh khoản. VN Index phiên này bật tăng 8,56 điểm so với phiên liền trước khi chốt phiên tại 581,29 điểm và GTGD trên cả sàn HOSE và HNX đạt 3.676,9 tỷ đồng. Sự hưng phấn của nhà đầu tư chưa dừng ở đó khi thị trường chứng kiến thêm 02 phiên có GTGD tại HOSE và HNX đạt trên 3.500 tỷ đồng (phiên 8/10 và 12/10).

Khi những hiệu ứng từ TPP còn chưa lắng xuống, thị trường tiếp tục đón nhận thông tin tích cực mới. SCIC được phê duyệt chủ trương thoái vốn tại 10 doanh nghiệp, trong đó có những mã có sức ảnh hưởng lớn đến các chỉ số chứng khoán như VNM (Công ty Sữa Việt Nam), FPT (Tập đoàn FPT), BMP (Công ty Nhựa Bình Minh), NTP (CtyCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong)… Với thông tin này, ngay khi mở cửa phiên giao dịch 14/10, đồng tiền đón sóng  đã ồ ạt chảy vào các mã này, giúp thị trường duy trì được sắc xanh. 

So với GTGD của thị trường tháng 9/2015, thanh khoản toàn thị trường trong tháng 10 đã gia tăng đáng kể. Thống kê cho thấy, GTGD bình quân phiên trên cả hai sàn trong tháng 10/2015 đạt 2.600 tỷ đồng/phiên, tăng 30% so với  tháng trước. Điều đặc biệt là đồng tiền chủ yếu đến từ các nhà đầu tư trong nước. Nguyên nhân được cho là bởi sau khi giảm về mức đáy của gần 1 năm qua, những doanh nghiệp nội địa cũng bắt đầu thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư như MWG, VIC, FPT, HPG… Sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước và sức mua của thị trường nội địa đã giúp các doanh nghiệp tăng trưởng, bất chấp những thông tin bất lợi về tỷ giá hay các biến động khác. Các mã cổ phiếu BĐS tiếp tục thu hút đồng tiền khi thị trường BĐS đang trong xu thế giao dịch sôi động.

Sau một thời gian biến động, TTCK trồi sụt mạnh, đặc biệt là giai đoạn sau sự kiện Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ. Đến thời điểm này, những cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt đã quay trở lại vùng đỉnh giá cũ và nhiều cổ phiếu đang chinh phục những đỉnh giá mới. Điển hình là mã GMD của CtyCP Gemadept, một trong những doanh nghiệp hàng đầu thuộc lĩnh vực vận tải và logistics hiện nay, chỉ trong vòng 1 tháng, giá cổ phiếu GMD đã tăng vọt lên mặt bằng giá mới ở mức 42.000 đồng/ cổ phiếu (phiên 2/11) từ mức giá 34.200 đồng/cổ phiếu (phiên 1/10). Riêng cổ phiếu VNM của CtyCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), ngồi việc hưởng lợi từ thông tin SCIC thoái vốn, kết quả kinh doanh ghi nhận mức lợi nhuận 9 tháng đạt gần 6.000 tỷ đồng của công ty này cũng khiến nhà đầu tư không ngại rót tiền mua cổ phiếu. Theo đó, giá cổ phiếu VNM tăng từ 101.000 đồng/cổ phiếu tại phiên 1/10 lên 123.000 đồng/cổ phiếu trong phiên 3/11. 

 Mặc dù xu hướng chung về trung hạn được các chuyên gia đánh giá là khá tích cực và tâm lý thị trường sẽ vẫn được duy trì tốt, tuy nhiên, các rủi ro lớn nhất hiện nay có lẽ là diễn biến khó lường của thị trường thế giới.

Những phiên giao dịch cuối tháng, mặc dù không có sự bùng nổ về thanh khoản, nhưng VN Index đã vượt qua mốc kháng cự 600 điểm tại phiên 23/10, khi chỉ số này tăng 6 điểm so với phiên trước đó, đạt 601,74 điểm. Mặc dù 3 phiên giao dịch tiếp theo, thị trường điều chỉnh giảm nhưng 2 phiên cuối cùng của tháng 10, VN Index bật tăng mạnh, đóng cửa tháng 10/2015 ở mức 607,37 điểm, tăng 7,95% so với phiên 30/9/2015. Còn trên HNX, sắc xanh được duy trì trong 19/22 phiên giao dịch, đưa HNX Index tăng 6,74% so với cuối tháng 9/2015, đứng ở mức 82,23 điểm.

Theo các chuyên gia phân tích, có được kết quả này là do thị trường trong tháng 10 đón nhận nhiều thông tin tích cực từ kết quả hoạt động kinh doanh quý III của các doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, thông tin về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã ra thông báo không thay đổi lãi suất trong tháng 11 cũng đã giúp thị trường duy trì được sắc xanh. 

Giao dịch nhà ĐTNN: đồng tiền trở lại

Nhìn lại diễn biến giao dịch của nhà ĐTNN trong 10 tháng qua có thể thấy, sau 4 tháng mua ròng liên tục kể từ tháng 4/2015 đến tháng 7/2015, nhà ĐTNN đã hoạt động kém tích cực trong tháng 8 và tháng 9/2015. Chỉ đến khi thông tin vòng đàm phán TPP kết thúc, đồng tiền từ nhà ĐTNN mới thật sự quay trở lại thị trường. Thống kê tháng 10 cho thấy, nhà ĐTNN đã có đóng góp tích cực khi trở lại xu thế mua ròng sau một thời gian bán ròng. Tháng 10 cũng là tháng mua ròng mạnh trong năm với tổng khối lượng mua ròng trên cả hai sàn đạt 79,3 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị mua ròng là 1.175 tỷ đồng, trong khi tháng trước, nhà ĐTNN đã bán ròng 30,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 989,473 tỷ đồng trên cả hai sàn. 

Các chuyên gia cho rằng, dù còn nhiều áp lực từ khả năng FED sớm điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian tới hay những tác động khó lường từ biến động tỷ giá của Trung Quốc, tâm lý lo ngại về điều chỉnh tỷ giá đã phần nào suy giảm và điều này đã giúp các nhà ĐTNN tự tin hơn trong việc giải ngân tại TTCK Việt Nam trong tháng 10 vừa qua. Bên cạnh đó, với chủ trương thoái vốn của Chính phủ tại SCIC, nhà ĐTNN kỳ vọng thị trường sẽ có thêm những hàng hóa chất lượng cao, vốn vẫn đang rất khan hiếm. Hiện tại “room” cho nhà ĐTNN ở nhiều cổ phiếu tốt đã hết, vì thế, việc thoái vốn của SCIC trong tương lai gần sẽ tạo điều kiện để đồng vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam một cách thuận lợi. Hay nói cách khác, nhà ĐTNN sẽ có thêm cơ hội sở hữu những cổ phiếu của những doanh nghiệp tốt trên TTCK Việt Nam. 

Kỳ

Kỳ vọng xu hướng tích cực cho hai tháng cuối năm

Mặc dù xu hướng chung về trung hạn được các chuyên gia đánh giá là khá tích cực và tâm lý thị trường sẽ vẫn được duy trì tốt, tuy nhiên, các rủi ro lớn nhất hiện nay có lẽ là diễn biến khó lường của thị trường thế giới. Theo các chuyên gia phân tích, những biến động phức tạp từ nền kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ là mối quan ngại lớn của nhà đầu tư khi nói đến triển vọng của nhóm các thị trường mới nổi. Khả năng tăng lãi suất của FED cũng là vấn đề cần được nhà đầu tư cân nhắc. Ngoài ra, vấn đề nợ công vẫn là trở ngại do tỷ lệ nợ công so với GDP sẽ tăng lên mức 61,3% vào cuối năm 2015 so với mức 59,6% vào cuối năm 2014. 

Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, các thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển năm 2016 cũng như kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, Chính phủ và Quốc hội đều rất lạc quan về khả năng phục hồi kinh tế trong trung hạn. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2015 sẽ là 6,5%, dự kiến 6,7% cho năm 2016 và 6,5 - 7,0% cho giai đoạn 2016 - 2020.

Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 10 tháng đầu năm tăng 9,7%, mức tăng cao nhất trong cùng kỳ năm qua. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2015 cũng tăng nhẹ trở lại 0,11% sau hai tháng giảm. Theo đó, CPI đã tăng 0,51% so với cuối năm 2014, xóa đi nỗi lo về giảm phát. Ngoài ra, kết quả kinh doanh quý III cũng cho thấy hầu hết hoạt động của các doanh nghiệp đều tăng trưởng khá tốt, nhiều yếu tố thuận lợi cơ bản như vĩ mô ổn định, kỳ vọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục sáng sủa. 

Ngoài ra, với chủ trương thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn của SCIC cùng với việc nới tỷ lệ sở hữu nhà ĐTNN cũng như sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế vĩ mô hy vọng sẽ giúp TTCK Việt Nam sớm được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Các chuyên gia cho rằng, việc chuyển giao sở hữu từ Nhà nước sang tư nhân được đánh giá là sẽ giúp các công ty nâng cao chất lượng quản trị và việc điều hành trở nên chuyên nghiệp hơn, mang lại hiệu quả cao hơn, từ đó, gián tiếp thu hút đồng tiền lớn từ nhà ĐTNN vào thị trường. 

Các yếu tố lạc quan, kỳ vọng ở các lĩnh vực được hưởng lợi từ TPP đã và đang dần phản ánh vào giá cổ phiếu trong thời gian qua và về dài hạn, nhà đầu tư kỳ vọng những doanh nghiệp đầu ngành có vị thế cạnh tranh lớn trên thị trường sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc phát huy năng lực và đón đầu những lợi thế mà TPP mang lại. Trong đó phải kể đến nhóm cổ phiếu ngành dệt may hưởng lợi nhờ giá nguyên liệu giảm, ngành cảng biển hưởng lợi từ gia tăng xuất nhập khẩu. Sự hồi phục của các mã bluechips được kỳ vọng sẽ tạo ra sự bứt phá nhanh hơn của các chỉ số chính VN Index và HNX Index cho những tháng cuối năm. Ngoài ra, ngoại trừ ngành ngân hàng, những cổ phiếu của các ngành khác có triển vọng từ chính sách nới “room” như chứng khoán, xây dựng, BĐS, dệt may và phân phối bán lẻ nhiều khả năng sẽ nới “room” lên 100%; đối với ngành cảng biển, dược phẩm là 49%... cũng sẽ là điểm sáng cho TTCK trong thời gian tới. Tất cả các yếu tố trên kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho TTCK trong những tháng cuối năm.

Thu Hương
Tìm kiếm