TÍN HIỆU PHỤC HỒI RÕ NÉT

15/08/2018 22:37
Tháng 7/2018, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được chia làm hai cung bậc cảm xúc khác biệt nhau, sụt giảm sâu và trở về ngưỡng dưới 900 điểm của tháng 11/2017, nhưng sau đó lại phục hồi mạnh đưa VN Index vượt lên trên ngưỡng 960 điểm. Mặc dù vẫn còn nhiều thử thách ở phía trước, các chuyên gia phân tích vẫn lạc quan tin tưởng vào khả năng tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong thời gian tới trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) có kết quả kinh doanh tốt.
Theo dòng sự kiện

VN Index tiếp tục biến động mạnh và sụt dưới ngưỡng 900 điểm 

Nửa đầu năm 2018, Việt Nam nổi lên như một địa điểm thu hút mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong khu vực, bởi các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô liên tục đạt mức dự báo, đặc biệt là về tốc độ tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó, nền sản xuất cũng đạt được những tín hiệu lạc quan nhất định thể hiện qua các chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng), IIP (chỉ số sản xuất công nghiệp) liên tục đạt được các mức cao. Tuy nhiên, những thông tin này dường như chưa đủ để các nhà đầu tư nhập cuộc vào TTCK trước những lực cản là những thông tin tiêu cực như lo ngại về căng thẳng thương mại liên quan đến Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống, chính sách tiếp tục nâng mức lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho đến hết năm 2018 có thể sẽ khiến cho một phần lớn dòng tiền bị rút ra khỏi các thị trường đang phát triển… áp lực bán trong các phiên giao dịch luôn tạo nên sức ép đến thị trường, khiến VN Index tiếp tục sụt giảm mạnh, kéo TTCK trong những phiên giao dịch đầu tháng 7 tiếp tục nối dài xu hướng giảm của tháng 6, tạo ra chuỗi giảm mạnh nhất trong nhiều năm. 

Theo giới quan sát, mặc dù VN Index đã chạm ngưỡng hỗ trợ mạnh 920 - 930 và phục hồi nhẹ vào đầu tháng 6, nhưng sau đó thanh khoản trên thị trường sụt giảm và hoạt động bán ròng đều đặn của các nhà ĐTNN ở nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn trong các phiên giao dịch của tháng 6, khiến cho chỉ số VN Index tiếp tục giảm sâu, phá vỡ ngưỡng 900 điểm, về mức thấp nhất là 893,16 điểm vào phiên ngày 11/7, giảm 25,8% so với mức đỉnh 1.204 điểm (ngày 9/4) và giảm 9,3% so với cuối năm 2017. 

Thống kê từ phiên giao dịch ngày 2/7 - 11/7 cho thấy, TTCK chỉ có 2 phiên giao dịch tăng điểm nhưng lại có tới 6 phiên giảm điểm, chỉ số VN Index đã mất 40 điểm. Có thể thấy, ngay trong những phiên giao dịch đầu tiên của tháng, VN Index đã có mức sụt giảm khá “sốc”: 13,63 điểm và 41,14 điểm tương ứng với phiên ngày 02/7 và 03/7. Đáng chú ý, trong thời điểm này, VN Index đã có 2 lần xuyên thủng ngưỡng 900 điểm. Cụ thể, tại phiên 5/7, VN Index đã mất 15,59 điểm, xuống còn 899,40 điểm; và phiên 11/7, VN Index đã mất 17,96 điểm, xuống còn 893,16 điểm.

 Ngoài việc sụt giảm về điểm số, thanh khoản thị trường cũng kém dần. Nếu như giá trị giao dịch (GTGD) bình quân của quý I/2018 trên hai sàn đạt trên 8.700 tỷ đồng, sang tháng 6 đã giảm xuống còn 5.623 tỷ đồng/phiên, thì từ ngày 2/7 - 11/7 đã giảm mạnh xuống còn 3.911 tỷ đồng/phiên - mức thấp nhất trong 17 tháng. Không những vậy, diễn biến thị trường trong giai đoạn này cũng rất khó lường với hàng loạt phiên biến động mạnh. 

Lý giải cho đợt giảm điểm của TTCK trong 1/3 thời gian của tháng 7 vừa qua, giới phân tích cho rằng, sau thời gian dài tăng trưởng, mặt bằng giá các cổ phiếu trên TTCK đã được đẩy lên quá cao, do đó sự điều chỉnh của thị trường là điều tất yếu. Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng, hiện nay sự biến động của tỷ giá, lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm sóat, căng thẳng thương mại giữa các cường quốc được kỳ vọng cũng sẽ sớm tìm được điểm dừng, thay vì đẩy lên cao hơn và cùng chịu thiệt hại. Do vậy, đợt điều chỉnh vừa qua dù mạnh nhưng sẽ không kéo dài.

Dòng tiền tích cực quay trở lại TTCK 

Thị trường sụt giảm mạnh khiến cho mặt bằng chung về giá của nhiều mã cổ phiếu trở về ở mức hợp lý đã thúc đẩy dòng tiền quay trở lại với TTCK Việt Nam. Có thể thấy, ngay tại phiên giao dịch ngày 11/7, đó là dù VN Index sụt giảm mạnh, nhưng thanh khoản của phiên này lại tăng khá mạnh so với các phiên giao dịch ngày 9 và ngày 10/7 nhờ dòng tiền bắt đáy gia tăng. Nếu như GTGD của phiên 11/7 (tính riêng trên sàn HOSE) đạt trên 3.500 tỷ đồng, thì tại 2 phiên giao dịch trước đó vào ngày 9 và 10/7, GTGD chỉ đạt tương ứng 2.555 tỷ đồng và 2.615 tỷ đồng. Theo giới phân tích, sự nhập cuộc của dòng tiền lớn cùng khả năng luân chuyển hợp lý của dòng tiền tại nhóm chủ chốt, cùng với đó, hiệu ứng mùa công bố kết quả kinh doanh quý II/2018 của các DNNY đã bắt đầu phát huy tác dụng khi dòng tiền đã chảy vào các mã chứng khoán mang kỳ vọng tăng trưởng tốt. Chính vì vậy, từ phiên giao dịch ngày 12/7 - 19/7, TTCK VN Index đã có 6 phiên tăng điểm mạnh liên tiếp, với mức tăng tổng cộng là 50,81 điểm. 

Mặc dù vậy, đà phục hồi của VN Index đã bị chững lại trong các phiên 20, 24 và 25/7 do áp lực bán đã lan tỏa trở lại trên diện rộng khi giới đầu tư chủ động chốt lời ngắn hạn. Hoạt động tái cơ cấu của các quỹ ETFs nội cũng là một nguyên nhân khiến giới đầu tư hạn chế mua đuổi giá. Tuy vậy, giao dịch thị trường vẫn phát ra những tín hiệu đáng lưu ý, trong đó có việc thanh khoản thị trường vẫn duy trì sự ổn định. Dù nhóm dẫn dắt với VNM, GAS, PLX, VRE… bị chốt lời mạnh nhưng tiền giải ngân vẫn sôi động. Nếu loại bỏ ảnh hưởng vốn hóa của mã SAB thì mức sụt giảm sẽ không quá lớn như phiên giao dịch ngày 20/7 (VN Index bị điều chỉnh với mức sụt giảm 10,58 điểm). Tuy nhiên, sự gia tăng của áp lực chốt lời khiến xu hướng giằng co chiếm ưu thế trong những phiên này. Ngoài ra, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư cũng kéo theo thanh khoản sụt giảm. 

Tuy vậy, lực cầu giá cao đã duy trì sự hiện diện ổn định và giúp VN Index tăng điểm trở lại, tiếp tục nối dài chuỗi hồi phục từ phiên 25/7 - 31/7, VN Index có mức tăng tổng cộng 28,81 so với phiên giao dịch ngày 20/7, chốt phiên giao dịch ngày 31/7 ở mức 956.39 điểm. 

TTCK trong thời gian tới vẫn còn khả năng tăng trưởng nhờ động lực của nhà ĐTNN và nguồn vốn trong nước, trên nền tảng tăng trưởng ổn định của kinh tế vĩ mô và sự tăng trưởng tốt của các DNNY.

Nhìn lại giao dịch tháng 7 cho thấy, VN Index đã có sự biến động mạnh trong 8 phiên giao dịch tính từ đầu tháng 7 cho đến phiên 11/7, mặc dù không có những phiên giao dịch sụt giảm với biên độ rộng, nhưng chỉ số này có tới 5 phiên giảm điểm và 3 lần xuyên thủng ngưỡng kháng cự 900 điểm tính từ đầu tháng 7. Còn từ phiên 12/7 - 31/7, VN Index chỉ có 3 phiên sụt giảm, nhưng lại có tới 11 phiên tăng điểm. Thanh khoản trên HOSE trong tháng 7 tiếp tục sụt giảm so với tháng trước, đạt trên 3.706 tỷ đồng/phiên, trong khi tháng 6 GTGD bình quân đạt trên 4.808 tỷ đồng/phiên.

Diễn biến giao dịch các thị trường trên HNX 

Tháng 7, diễn biến trên thị trường cổ phiếu niêm yết theo chiều hướng tăng. Quan sát diễn biến chỉ số HNX Index trong 22 phiên giao dịch cho thấy, HNX Index chỉ có 6 phiên giảm điểm, trong khi phiên tăng lên đến 16 phiên. HNX Index đóng cửa phiên 31/7 đạt 106,16 điểm tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7, giảm 0,01 điểm so với thời điểm cuối tháng 6/2018. Giá trị vốn hóa thị trường đạt gần 194 nghìn tỷ đồng, tăng 0,05% so với thời điểm cuối tháng trước. Thanh khoản trên thị trường giảm nhẹ so với tháng trước. Tổng khối lượng giao dịch (KLGD) tòan thị trường đạt hơn 894 triệu cổ phiếu, GTGD đạt gần 12 nghìn tỷ đồng. Bình quân, KLGD đạt 40,7 triệu cổ phiếu/phiên (giảm 5,3% so với tháng trước), GTGD đạt hơn 545 tỷ đồng/phiên (giảm 17,9% so với tháng trước). 

Tại thị trường UPCoM, diễn biến theo chiều hướng giảm ở nửa đầu tháng và có xu hướng tăng trở lại vào cuối tháng. Chỉ số UPCoM Index đạt mức 50,48 điểm tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng, giảm 2,7% so với thời điểm cuối tháng trước. Giá trị vốn hóa thị trường UPCoM phiên giao dịch cuối tháng 7 đạt 646,17 tỷ đồng, giảm 0,3% so với tháng trước. 

Thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) tháng 7 tiếp tục là tâm điểm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Thanh khoản thị trường liên tục bứt phá tạo kỷ lục mới, với khối lượng 164.872 hợp đồng trong phiên ngày 6/7, tương đương 14.705 tỷ đồng, gấp 3 lần giao dịch trên TTCK cơ sở. TTCKPS phát huy lợi thế giúp nhà đầu tư tận dụng được xu hướng giá xuống và giao dịch trong ngày T+0. Tháng 7 cũng là tháng có khối lượng mở OI đạt giá trị cao nhất (tính đến ngày 25/7/2018) đạt 18.569 hợp đồng. Theo các chuyên gia phân tích, thanh khoản thị trường phái sinh tăng có thể là do thiếu cơ hội đầu tư trên thị trường cơ sở.

Giao dịch của nhà ĐTNN 

Tháng 7 cũng là tháng cắt đứt chuỗi bán ròng 6 tháng liên tiếp nhà ĐTNN duy trì đà bán ròng trên thị trường khớp lệnh trên HOSE. Tháng này, lượng mua ròng cổ phiếu của nhà ĐTNN đạt trên 166.877 tỷ đồng.

Tại HNX, trong tháng 7, nhà ĐTNN giao dịch tổng cộng 49,1 triệu cổ phiếu, giảm 26% so với tháng trước, GTGD đạt hơn 741,8 tỷ đồng, giảm 33,5% so với tháng trước, trong đó tổng GTGD mua vào đạt hơn 483 tỷ đồng, tổng GTGD bán ra đạt hơn 311 tỷ đồng. Tính chung trong cả tháng, trên thị trường cổ phiếu niêm yết, nhà ĐTNN đã mua ròng 172 tỷ đồng.

Triển vọng TTCK dựa vào kinh tế vĩ mô và sự tăng trưởng tốt của các DNNY 

Chỉ số tăng điểm cộng với thanh khoản tích cực có thể tác động tới việc xuống tiền mua vào của không ít nhà đầu tư trong những phiên gần đây, thanh khoản trên cả hai sàn HOSE và HNX theo đó đã đạt GTGD bình quân trên 5.000 tỷ đồng/phiên tăng mạnh so với nửa đầu tháng 7 chỉ đạt hơn 3.900 tỷ đồng/phiên. Với sự phục hồi trở lại của TTCK dù chỉ hơn nửa tháng nhưng phần nào đã mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam. Theo các chuyên gia phân tích, hiện nay, kinh tế thế giới tiếp tục trong xu hướng tăng trưởng tích cực tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc hỗ trợ tốt cho các thị trường tài sản, đặc biệt là TTCK. Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng trưởng GDP 6,81% trong 2017 và kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng khá trong năm 2018. Chính vì vậy, TTCK trong thời gian tới vẫn còn khả năng tăng trưởng nhờ động lực của nhà ĐTNN và nguồn vốn trong nước, trên nền tảng tăng trưởng ổn định của kinh tế vĩ mô và sự tăng trưởng tốt của các DNNY. 

Theo các chuyên gia phân tích, việc nhiều cổ phiếu giảm giá 30% - 40% so với thời điểm VN Index đạt trên 1.200 điểm đã đưa giá cổ phiếu về mức hợp lý, hấp dẫn. Các quan điểm lạc quan nhận định, về tổng quan, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam hiện ở mức 16,5 lần, nhưng nếu loại trừ một số mã cổ phiếu như ROS, SAB, BHN thì hiện chỉ ở mức 15,4 lần. Đây là mức thấp so với chính TTCK Việt Nam trong một, hai năm trước và so với các thị trường lân cận (Indonesia 24,9 lần; Philippines 21,5 lần…). Ngoài ra, các chuyên gia phân tích cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm là giai đoạn diễn ra nhiều hoạt động cổ phần hóa, thóai vốn tại doanh nghiệp nhà nước, với những công ty lớn được dự báo sẽ chào bán cổ phần như PV Power, PV Oil, Vinafood 2, Vinamilk, Sabeco, Habeco, Satra… Chính vì vậy, TTCK Việt Nam tháng 8 nói riêng và các tháng cuối năm nói chung, sẽ có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư lựa chọn mua hàng gì, mua lúc nào, sẽ phụ thuộc vào năng lực tài chính và khả năng chịu đựng rủi ro của mỗi người.

Khánh Hạ
Tìm kiếm