Thị trường tiền tệ - tín dụng trong nước
Ngày 28/7/2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết một năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH141 về xử lý nợ xấu (Nghị quyết 42). Theo công bố của Công ty Quản lý Tài sản của các Tổ chức tín dụng (VAMC), nợ xấu xử lý qua VAMC tính đến ngày 30/6/2018 đạt 310.517 tỷ đồng theo dư nợ gốc nội bảng, ước tính đạt trên 40% tổng nợ xấu được xử lý. Ðối với các khoản nợ mua theo giá thị trường, sau khi mua nợ, VAMC đã triển khai ngay các giải pháp xử lý nợ, hỗ trợ hòan thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến chuyển nhượng dự án... Kể từ khi Nghị quyết số 42 được ban hành, việc thu hồi nợ xấu qua VAMC đạt kết quả cao, riêng năm 2017 VAMC đã thu hồi được hơn 30.000 tỷ đồng. Trong năm 2018, VAMC lên kế hoạch mua khoảng từ 30.500 - 35.500 tỷ đồng nợ xấu. Dự kiến bao gồm từ 27.000 - 32.000 tỷ đồng giá trị mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt và 3.500 tỷ đồng mua nợ theo giá thị trường.
Số liệu mới nhất từ NHNN cho biết, tính đến hết tháng 6/2018, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 7,88%, trong khi cùng kỳ của năm 2016 và năm 2017 lần lượt là 8,21% và 9,06%. Tăng trưởng tín dụng bị giảm tốc là do NHNN muốn thận trọng thông qua kiểm sóat chặt cung tiền M2 và cho vay mới trong bối cảnh lạm phát đang có dấu hiệu bùng phát. Trong bối cảnh huy động vốn tăng nhưng tín dụng tăng chậm, thậm chí có dấu hiệu đình trệ, lượng vốn tiền đồng NHNN bơm ra lại lớn, ước 210 nghìn tỷ đồng từ việc mua vào ngoại tệ, đã khiến thanh khoản càng thêm dư thừa, đẩy lãi suất đồng tiền Việt Nam (VND) trên thị trường liên ngân hàng cách xa so với thị trường 1.
Trong tháng 7, lãi suất đã có những biến động bất thường với việc lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh liên tục. Cụ thể, lãi suất qua đêm đã nhanh chóng tăng từ dưới 1%/năm vượt trên 4%/năm, đạt 4,27%/năm vào ngày 26/7. Lãi suất tăng lên mạnh như vậy đã góp phần giải tỏa phần nào áp lực lên tỷ giá, giảm gánh nặng cho NHNN phải can thiệp để không cho tỷ giá tăng quá mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người dân. Sau khi liên tục tăng mạnh từ trung tuần tháng bảy vừa qua, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng lại giảm mạnh và thu hẹp chênh lệch với lãi suất USD những phiên gần đây. Nếu chênh lệch này quá hẹp hoặc âm dễ gây thêm áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, trong tuần cuối tháng bảy, NHNN đã nhanh chóng tăng mạnh lượng chào thầu tín phiếu để hút bớt tiền đồng về, cũng như bổ sung thêm kỳ hạn tín phiếu dài tới 140 ngày để tạo cơ cấu vốn hút bớt về bền vững hơn. Và độ trễ của việc đẩy mạnh điều tiết này sẽ sớm được rút ngắn.
Biến động trên thị trường liên ngân hàng đã có tác động lên thị trường, theo đó lãi suất huy động có xu hướng tăng nhẹ, tuy nhiên tác động mới chỉ ở các kỳ hạn ngắn
(xem Biểu đờ 1).
Với thị trường mở, tuần đầu tháng 7, khối lượng tín phiếu được NHNN chào thầu đã giảm xuống mức 18.000 tỷ đồng, chia đều cho 2 kỳ hạn 28 ngày và 91 ngày. Như vậy, NHNN bơm ròng 12.790 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 137.709 tỷ đồng. Tuần từ ngày 9 - 13/7, NHNN chào thầu 20.000 tỷ đồng tín phiếu với 2 kỳ hạn 28 ngày và 91 ngày, bơm ròng 45.229 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 92.480 tỷ đồng. Tuần từ ngày 16 - 20/7, NHNN đã bơm ròng 32.193 tỷ đồng ra thị trường. Đến tuần cuối của tháng, NHNN đã bơm ròng 19.207 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở.
Thị trường ngoại hối
Tháng 7/2018, tỷ giá USD/VND diễn biến với xu hướng đi ngang trong nửa đầu tháng sau đó tăng mạnh giai đoạn cuối tháng. Tỷ giá trung tâm giữa đồng VND và USD ngày 31/7 được NHNN công bố ở mức 22.669 đồng/USD. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng ngày này là 23.348 đồng/USD và tỷ giá sàn là 21.990 đồng/USD (xem Biểu đờ 2).
Tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng liên tục từ giữa tháng 6 tới nay, so với thời điểm đầu năm, tỷ giá trung tâm hiện đã tăng xấp xỉ 1,1% trong khi giá USD của các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng tới 2,6%, giá USD ngồi thị trường tự do cũng tăng tương tự. Riêng trong tháng 7, tỷ giá USD/VND tăng 250 đồng, tương đương 1,08%.
Tỷ giá tăng do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó chủ yếu do tác động của đồng USD tăng giá trên thế giới, đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh và một phần bởi yếu tố tâm lý. Đồng thời, cũng phản ánh xu hướng thắt chặt tiền tệ đang bắt đầu ở các ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt là châu Âu và Nhật Bản; sự suy giảm của thương mại quốc tế so với dự báo ban đầu; chiến tranh thương mại đang diễn ra giữa Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - châu Âu, Mỹ - Canada và Mexico.
Trước diễn biến tăng của tỷ giá USD/VND, ngày 23/7, Sở Giao dịch NHNN nâng mạnh giá bán ra USD trên biểu niêm yết, trở lại cách áp giá bán thấp hơn trần 50 VND quen thuộc như trước đây. Cụ thể, tỷ giá tham chiếu do NHNN công bố cho ngày 23/7 mua vào 1 USD ở mức 22.700 đồng và bán ra là 23.273 đồng, tăng 268 đồng so với phiên giao dịch ngày 21/7, mức tăng tương đương gần 1% và trở lại mức trước khi can thiệp tỷ giá ngày 3/7. Như vậy, NHNN đã nâng giá bán USD trở lại, lên cao hơn nhiều so với giá bán của các NHTM - là thông điệp chính thức cho biết NHNN dừng bán USD giá thấp cho các thành viên tham gia thị trường. Sau khi NHNN điều chỉnh giá bán, mặt bằng mới phản ánh diễn biến thực tế trên thị trường, cung cho thị trường đã tăng mà không cần nhà điều hành bán ra hỗ trợ.
Về diễn biến tỷ giá USD/VND, NHNN nhận định tỷ giá vẫn nằm trong tầm kiểm sóat của NHNN và phù hợp với diễn biến của các đồng tiền thế giới và khu vực. Ngồi cơ chế tỷ giá trung tâm, NHNN cũng cho biết sẽ sử dụng biện pháp điều hành tỷ giá khác như điều chỉnh lãi suất, thanh khoản tiền đồng; phối hợp với chính sách tài khóa. Lãi suất liên ngân hàng quay đầu giảm mạnh trong 4 ngày cuối tháng 7. Lãi suất qua đêm giảm còn 1/3 từ mức đỉnh 4,73% thiết lập ngày 25/7. Đồng thời khối lượng giao dịch cũng tăng đáng kể với hơn 17.100 tỷ đồng giao dịch trên liên ngân hàng.
Thị trường vàng
Trong tháng 7, giá vàng trong nước diễn biến với xu hướng chính là tăng giảm không đồng đều. Giá vàng SJC tăng mạnh nhất lên 36,86 - 37,04 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) ngày 12/7 và thấp nhất tại 36,53 - 36,80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) ngày 20/7. Chỉ số giá vàng tháng 7/2018 giảm 1,57% so với tháng trước; tăng 0,48% so với tháng 12/2017 và tăng 2,88% so với cùng kỳ năm trước. Quy đổi theo tỷ giá Việt (chưa tính thuế và các khoản phí), giá vàng trong nước hiện đắt hơn giá vàng thế giới gần 2,6 triệu đồng/lượng (xem Biểu đờ 3).
Trước áp lực giảm của thị trường thế giới và sự tăng nóng trở lại của tỷ giá USD/VND, giá vàng SJC trong nước ghi nhận xu hướng đi xuống và đường đi của vàng trong thời gian tới rất khó dự đóan. Biên độ giữa hai thị trường vì thế tiếp tục kéo giãn thêm, có thời điểm lên mức 2,6 triệu đồng mỗi lượng. Diễn biến tăng - giảm của giá vàng trong nước chủ yếu theo diễn biến của thị trường thế giới. Tính chung trong tháng, giá vàng tăng 120.000 đồng mỗi lượng. Vào cuối tháng 7, giá vàng được giao dịch ở mức 36,85 triệu đồng/lượng. Giao dịch trên thị trường nhìn chung vẫn khá trầm lắng, một phần do giá không biến động mạnh.
Thị trường bất động sản (BĐS)
Thị trường BĐS tháng 7/2018 chứng kiến làn sóng tìm kiếm kênh đầu tư mới của giới đầu tư trước thực trạng đất nền chững lại. Phân khúc căn hộ cao cấp tại hai thị trường lớn nhất nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ghi nhận những diễn biến trái chiều khá thú vị trong tháng qua, cụ thể:
Tháng 7 tiếp tục là tháng ảm đạm của thị trường đất nền khu Đông Tp. Hồ Chí Minh và các vùng dự kiến lên đặc khu – những khu vực “sốt" nhất trong các tháng đầu năm 2018. Nguyên nhân chủ yếu được nhận định là do giá bán cao và thị trường không có nhiều nguồn hàng mới. Trong khi đó, nguồn hàng của nhà đầu tư thứ cấp còn khá nhiều nhưng đa số không vội bán ra, chọn cách găm hàng để nghe ngóng và chờ đợi tín hiệu tốt lên của thị trường vào cuối năm.
Trên thị trường thứ cấp, giá cũng tăng 4 - 8 triệu đồng/m2 so với giữa năm 2017. Tuy nhiên, một nghịch lý của thị trường BĐS Tp. Hồ Chí Minh là dù giá tăng và suốt 6 tháng đầu năm, thị trường không có nhiều dự án mở bán so với cùng kỳ năm ngóai nhưng sức tiêu thụ lại thấp. Nhiều sàn đều ghi nhận tình trạng giao dịch căn hộ giảm 20 - 30% so với cùng thời điểm năm 2017.
Trong khi đó, tại thị trường Hà Nội, giá chung cư cao cấp không có sự biến động mạnh. Ở những dự án cao cấp đang mở bán, mức biến động giá chỉ dưới 3% theo đợt. Nhiều dự án, dù mở bán đợt sau nhưng giá vẫn giữ nguyên sau khi trừ đi các chính sách khuyến mại, chiết khấu. Tuy nhiên, trái ngược với thực tế giá leo thang nhưng giao dịch giảm sút của thị trường BĐS Tp. Hồ Chí Minh, thị trường căn hộ cao cấp Hà Nội trong tháng qua chứng kiến giao dịch hoặc tỷ lệ đặt cọc khá tốt ở một số dự án có vị trí đắc địa của những chủ đầu tư lớn như Vinhomes West Point, Shunshine City...
Trong thời gian tới, thị trường địa ốc được dự báo tươi sáng hơn khi nhiều chủ đầu tư đã chuẩn bị đầy đủ về pháp lý dự án, sẵn sàng nguờn hàng để bung ra thị trường đón nhu cầu đến cuối năm.
Ngay từ tháng 7, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu những kế hoạch bán hàng mới tăng tốc cho một mùa làm ăn cuối năm tại cả những dự án đang mở bán lẫn những dự án mới sắp đổ bộ vào thị trường. Trong nửa đầu năm, thị trường các phân khúc trầm lắng so với cùng kỳ năm ngóai, đặc biệt là phân khúc căn hộ. Nguyên nhân là do những tác động của thông tin tiêu cực từ thị trường, nhất là vụ cháy chung cư Carina ảnh hưởng đến tâm lý người mua và nhà đầu tư. Tuy nhiên, giới phân tích và chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, thị trường địa ốc được dự báo tươi sáng hơn khi nhiều chủ đầu tư đã chuẩn bị đầy đủ về pháp lý dự án, sẵn sàng nguồn hàng để bung ra thị trường đón nhu cầu đến cuối năm.