Công bố toàn văn Hiệp định TPP
Sau tròn 1 tháng kể từ khi tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), mặc dù vẫn đang trong quá trình rà soát pháp lý và dịch thuật để tiến tới chính thức phê chuẩn, ngày 5/11/2015, 12 nước thành viên đã chính thức công bố toàn văn nội dung Hiệp định này. Tại Việt Nam, 30 chương nội dung của Hiệp định với độ dài trên 2.000 từ bằng tiếng Anh cũng đã được Bộ Công thương đăng tải trên website của Bộ tại địa chỉ tpp.moit.gov.vn. Cho dù chưa có bản dịch bằng tiếng Việt nhưng việc công bố toàn văn Hiệp định TPP bằng tiếng Anh cũng đã phần nào thỏa mãn được cơn khát thông tin của doanh nghiệp và người dân Việt Nam về các nội dung của TPP.
Theo Bộ Công thương, sau khi công bố toàn văn Hiệp định, các nước TPP sẽ nhanh chóng hoàn tất thủ tục rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định. Mỗi nước, theo quy định của pháp luật nước mình, sẽ dành thời gian nhất định để người dân nghiên cứu Hiệp định trước khi ký kết, dao động từ 60 đến 90 ngày. Sau khoảng thời gian này, các nước TPP sẽ tiến hành ký kết chính thức. Thời điểm ký kết chính thức Hiệp định hiện chưa được xác định nhưng dự kiến sẽ không muộn hơn quý I/2016. Sau khi ký chính thức, các nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình.
Thời điểm ký kết chính thức Hiệp định hiện chưa được xác định nhưng dự kiến sẽ không muộn hơn quý I/2016. Sau khi ký chính thức, các nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình.
Theo đó, các công đoạn “hậu đàm phán” TPP đang được các quốc gia thành viên đẩy mạnh với tiến độ hết sức khẩn trương trước khi quyết định ký kết. Vấn đề được quan tâm hàng đầu của TPP là thời gian áp dụng cũng đã được công bố. Theo đó, các thỏa thuận sẽ có hiệu lực trong vòng 60 ngày sau khi tất cả các nước kết thúc thủ tục pháp lý. Nếu sau 2 năm và không được sự phê chuẩn của tất cả 12 nước, thỏa thuận vẫn có hiệu lực nếu được 6 nền kinh tế chiếm 85% tổng sản lượng quốc
nội (GDP) của khối này phê chuẩn.
Cam kết TPP trong lĩnh vực tài chính
Việt Nam là quốc gia đang phát triển duy nhất trong 12 quốc gia thành viên TPP. Với xuất phát điểm thấp hơn các nước khác, chắc chắn Việt Nam sẽ cần nhiều thời gian chuẩn bị hơn và sự chuẩn bị cũng phải kỹ càng và cẩn trọng hơn so với các nước thành viên khác. Như vậy, khoảng thời gian để Chính phủ, các Bộ ngành và doanh nghiệp cũng như người dân Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng để tận dụng được các cơ hội từ TPP không còn nhiều trong khi sức ép tăng năng lực cạnh tranh, cải cách thể chế, hệ thống pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng quản trị, tăng tính minh bạch của nền kinh tế… ngày một lớn. Với khoảng thời gian chật hẹp đó, Việt Nam cần có sự chuẩn bị khẩn trương nhưng phải chắc chắn với những bước đi và lộ trình cụ thể như thế nào để không bỏ lỡ “chuyến tàu TPP” trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và toàn cầu hóa đang diễn ra rất nhanh như hiện nay, vừa đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu của TPP, vừa tận dụng được các cơ hội từ TPP khi Hiệp định này được ký kết. Đây không chỉ là bài toán khó đặt ra cho Chính phủ và doanh nghiệp, mà cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương, trong đó có Bộ Tài chính. Với chức năng và nhiệm vụ hoạch định và xây dựng chính sách về tài chính, thuế, hải quan, thị trường chứng khoán, bảo hiểm…, Bộ Tài chính có nhiệm vụ đi đầu trong việc triển khai thực hiện các điều khoản mà Việt Nam cam kết đối với lĩnh vực tài chính trong Hiệp định thương mại này. Cụ thể, trong lĩnh vực tài chính, Việt Nam cam kết với các nước thành viên TPP trên 4 lĩnh vực là thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, hải quan và dịch vụ tài chính.
Về thuế nhập khẩu: Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước TPP, trong đó trên 65% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực và gần 98% số dòng thuế sau 10 năm, các mặt hàng còn lại có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ).
Về thuế xuất khẩu: Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Trong đó, một số nhóm mặt hàng quan trọng được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.
Về hải quan: Hiệp định TPP đưa ra các quy định về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu như quy định về thủ tục đối với hàng chuyển phát nhanh, quy định về xác định trước, cơ chế chứng nhận xuất xứ, cơ chế giám sát đối với xuất xứ hàng hóa, cơ chế quản lý rủi ro đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quy định cụ thể về thời gian thông quan hàng hóa. Ngoài ra, Hiệp định TPP quy định cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong thủ tục kiểm tra và xác định xuất xứ cho hàng hóa nhập khẩu.
Về dịch vụ tài chính: Các cam kết trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán sẽ thúc đẩy các cơ hội đầu tư, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam. Các nội dung cam kết về dịch vụ tài chính gồm: i) Mở rộng cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ tài chính đi kèm với cơ chế minh bạch hóa; ii) Tăng cường minh bạch hóa; iii) Kết hợp mở cửa thị trường dịch vụ tài chính với bảo hộ đầu tư với cơ chế giải quyết tranh chấp minh bạch, rõ ràng và có hiệu quả; iv) Cho phép áp dụng các ngoại lệ và các quy định thận trọng.
Để có thể thực hiện được các cam kết TPP trong lĩnh vực tài chính nêu trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hồng Anh Tuấn cho rằng, Bộ Tài chính nói chung và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ nói riêng cần phải chủ động nhận thức và đi trước nghiên cứu, làm rõ từng nội dung để có cái nhìn toàn diện, nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu sắc về cơ hội cũng như thách thức và những yêu cầu mà TPP và các Hiệp định thương mại quan trọng khác đặt ra, từ đó hoạch định, xây dựng và đề ra các cơ chế chính sách phù hợp nhằm thực hiện tốt cam kết trong Hiệp định, góp phần vào thực hiện thành công nhiệm vụ của ngành Tài chính. Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Hồng Anh Tuấn, một trong những nhiệm vụ trước mắt mà các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính cần khẩn trương thực hiện, đó là tập trung nghiên cứu để đưa các nội dung của TPP bổ sung vào chiến lược phát triển của từng lĩnh vực trong ngành Tài chính (thuế, hải quan, chứng khoán…) bởi Chiến lược phát triển ngành giai đoạn 2011-2020 chưa lường hết được tác động của quá trình hội nhập này, trong chiến lược mới đó có quan điểm, mục tiêu, thể chế chính sách, hệ thống giải pháp, công cụ thực hiện nhằm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới và đưa các nội dung của TPP vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất. “Chúng ta phải sửa đổi chính sách cũ, xây dựng chính sách mới, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ hiện đại, áp dụng thông lệ quốc tế tốt, chấp nhận mở cửa để thúc đẩy những cái mà chúng ta làm chủ được bên trong để bước ra bên ngoài. Hay nói cách khác, tất cả những gì hiện nay chưa bình đẳng thì phải xóa bỏ, kể cả việc mua bán chính phủ, đấu thầu… bởi hội nhập thành công hay không là phải đảm bảo được vấn đề môi trường đầu tư và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia”, Thứ trưởng Đỗ Hồng Anh Tuấn nói.
Ngày 10/11/2015, tại trụ sở 28 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức họp báo nhằm cung cấp các thông tin cụ thể về các cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho các cơ quan thông tấn báo chí.