Khai màn cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Ngày 6/7, Mỹ đã chính thức áp thuế 25% trên lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao. Cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo đã đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến quyết định này của Mỹ. Trung Quốc cho rằng Mỹ đã khơi mào "cuộc chiến thương mại quy mô lớn nhất trong lịch sử" và ngay sau đó, nước này cũng thông báo các biện pháp đáp trả thương mại nhằm vào Mỹ lập tức có hiệu lực.
Ông Gregory Daco, chuyên gia về kinh tế Mỹ tại Oxford Economics, đã ước tính rằng các mức thuế trên sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Trung Quốc “mất” tối đa là 0,2 điểm phần trăm. Tuy vậy, cuộc xung đột thương mại này có thể sớm leo thang.
Việc gia tăng áp đặt các mức thuế trả đũa qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động đầu tư khi các doanh nghiệp “án binh bất động” để chờ xem liệu Chính phủ Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc hay không và một số doanh nghiệp có thể sẽ dừng tuyển dụng lao động cho đến khi tình hình trở nên sáng sủa hơn.
Theo ông Dec Mullarkey, Giám đốc quản lý các chiến lược đầu tư của công ty quản lý tài sản Sun Life Investment Management, xung đột thương mại là mối nguy lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế. Những tác động trực tiếp sẽ gia tăng khi niềm tin doanh nghiệp sụt giảm và các quyết định đầu tư bị trì hỗn.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ ngày 10/7 thông báo chính phủ nước này sẽ áp thuế 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu bổ sung trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc sớm nhất là từ tháng Chín năm nay. Theo đó, 6.031 dòng sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp thuế bổ sung, bao gồm hàng trăm mặt hàng thực phẩm, thuốc lá, hóa chất, than đá, thép và nhôm. Lần này, Mỹ cũng dự kiến áp thuế lên nhiều mặt hàng tiêu dùng như lốp xe, đồ nội thất, sản phẩm gỗ, túi xách, vali, thức ăn cho vật nuôi, xe đạp và mỹ phẩm.
Sau những động thái trên của Mỹ, Trung Quốc ngay lập tức ra tuyên bố chỉ trích và đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẽ có biện pháp đáp trả đối đẳng cả về quy mô lẫn tiến độ thực hiện. Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Li Chenggang ngày 11/7 cho rằng đề xuất áp thuế mới nhất của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc gây tổn hại tới hệ thống của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như quá trình tòan cầu hóa. Theo ông Li Chenggang, lựa chọn đúng đắn duy nhất cho quan hệ Trung - Mỹ là cùng hợp tác và bất chấp động thái này của Mỹ, Trung Quốc vẫn không thay đổi quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh trong nước cũng như sự ủng hộ đối với hệ thống thương mại đa phương.
Tuy nhiên, ngày 20/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẵn sàng áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng giá trị 500 tỷ USD, động thái làm leo thang cuộc chiến thương mại hiện nay giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thế giới đang đứng trước một cuộc chiến tranh thương mại trên diện rộng mà khởi đầu là biện pháp áp thuế nhôm, thép nhập khẩu lần lượt là 10% và 25% mà Mỹ đưa ra nhằm điều chỉnh cán cân thương mại giữa quốc gia này và các đối tác trên thế giới, tạo ra một chuỗi liên hòan các biện pháp đối kháng.
Ngày 01/7, Canada cũng đã áp thuế lên hàng loạt mặt hàng có tổng giá trị lên tới 16,6 tỷ USD của Mỹ. Cùng với Canada, Bộ Kinh tế Mexico cũng công bố danh sách các mặt hàng của Mỹ phải chịu áp thuế như thịt lợn, nho, táo, đèn và thép cán mỏng, với mức thuế tương đương mức mà Mỹ áp dụng đối với nước này.
Mỹ cũng hứng chịu nhiều chỉ trích từ những quốc gia khác, khi Thụy Sỹ mới đây đã trở thành nước thứ 8 thuộc WTO khiếu nại về thuế nhôm, thép của Mỹ và ít nhất 40 nước thành viên WTO, trong đó có Nga, Nhật Bản và 28 nước thành viên Liên minh châu Âu, cũng đã phản ánh lên Hội đồng Thương mại Hàng hóa về kế hoạch áp thuế lên mặt hàng ô tô nhập khẩu của Mỹ. Các nước này cho rằng những biện pháp như vậy có thể dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống thương mại đa phương tòan cầu.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt bậc
Theo số liệu mới nhất, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng vượt bậc trong quý II/2018, đạt mức 4,1%. Động lực cho đà tăng trưởng này là việc người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu các khoản tiền có được từ chính sách giảm thuế của chính phủ, trong khi các nhà xuất khẩu nỗ lực cung ứng sản phẩm trước khi "cuộc chiến" áp thuế giữa Mỹ và nhiều quốc gia khác chính thức khai hỏa.
Ngày 27/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố "đây là phép màu kinh tế" và khẳng định nước Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng này không chỉ một lần, đồng thời dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ còn cao hơn nữa một khi Mỹ cùng các đối tác đạt được các thỏa thuận thương mại song phương. Tổng thống Donald Trump đánh giá những chỉ số tăng trưởng kinh tế thời gian qua là "rất, rất bền vững" và "không chỉ một lần".
Tuy nhiên, phát biểu trong buổi điều trần thường kỳ trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ ngày 18/7, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho hay, doanh nghiệp Mỹ đã bị tác động bởi việc áp thuế nhập khẩu cao đối với nhiều sản phẩm chủ chốt. Ông lưu ý rằng, mặc dù cần có thời gian để thấy được tác động mạnh từ chính sách tăng thuế nhập khẩu, quan ngại ngày càng tăng trong kinh doanh sẽ ảnh hưởng bất lợi đến quyết định đầu tư của nhiều doanh nghiệp.
Theo ông Powell, tranh chấp thương mại giữa Mỹ với nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc, đang đẩy FED vào thế khó khi thể chế tài chính này đang nâng dần lãi suất. FED đã hai lần nâng lãi suất trong năm nay và dự kiến sẽ còn thực hiện thêm hai lần nữa để giảm bớt áp lực lạm phát. Chủ tịch FED nêu rõ cơ quan này có thể giảm lãi suất khi căng thẳng thương mại làm giảm nhu cầu, song cùng lúc lại phải đối mặt với việc chính sách thuế quan sẽ đẩy giá cả và lạm phát lên cao.
Chủ tịch FED cho biết, gần đây cơ quan này liên tục nhận được phàn nàn từ giới doanh nghiệp Mỹ do lo ngại ngày càng tăng từ việc tăng thuế nhập khẩu. Theo ông, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đang bị tổn hại do các biện pháp tăng thuế nhập khẩu của Chính phủ Mỹ, với nhiều báo cáo cho thấy quan ngại về sự tăng giá và gián đoạn nguồn cung chuỗi hàng hóa. Chủ tịch FED cho rằng càng thực hiện các chính sách bảo hộ nền kinh tế thì càng kém cạnh tranh hơn và ít hiệu quả hơn cho nền kinh tế.
Nhưng trước đó, tại phiên điều trần trước Quốc hội ngày 17/7, ông Powell cho biết FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất từng bước trong bối cảnh triển vọng kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh, mặc dù phải đối mặt với những bất ổn đến từ chính sách thương mại của nước này. Ông nhận định lạc quan về nền kinh tế Mỹ, nhấn mạnh rằng tốc độ tạo việc làm vẫn được duy trì ổn định và lạm phát vẫn ở quanh mức mục tiêu 2% do FED đề ra và việc cắt giảm thuế gần đây đang thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, và đầu tư kinh doanh vẫn còn mạnh mẽ.
Bộ Lao động Mỹ ngày 12/7 công bố số liệu cho thấy việc giá thực phẩm, xăng, chi phí chăm sóc sức khỏe và y tế tăng lên khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6/2018 của nước này ở mức cao nhất trong sáu năm qua.
Sức ép giá cả ở Mỹ tăng là rõ ràng ngay cả khi không tính giá thực phẩm và nhiên liệu hay biến động, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đẩy mạnh các cuộc chiến thương mại với các đối tác thương mại của Mỹ. Xu hướng này có thể sẽ tiếp diễn trong các tháng tới.
CPI của Mỹ trong tháng 6/2018 tăng 0,1% so với tháng 5/2018, còn khi không tính giá thực phẩm và nhiên liệu, CPI “lõi” tăng 0,2% do chi phí chăm sóc sức khỏe, giá ô tô và giải trí gia tăng. So với cùng kỳ năm ngối, CPI “lõi” tăng 2,3%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 01/2017. Trong 12 tháng qua, CPI tăng 2,9% và cao bằng mức đã ghi nhận trong tháng 5/2018, là mức cao nhất kể từ tháng 2/2012.
Còn theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 6/7, nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 6/2018 đã tạo thêm được 213.000 việc làm, vượt mức dự báo tăng 195.000 việc làm của các nhà phân tích. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã tăng nhẹ từ mức thấp nhất của 18 năm lên 4%.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại
Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 16/7 cho biết, đúng như dự đóan, kinh tế nước này tăng trưởng 6,7% trong quý II so với cùng kỳ năm ngóai, giảm nhẹ so với quý trước đó (quý I tăng trưởng 6,8%).
Kinh tế Trung Quốc tăng chững lại trong quý II/2018 dưới tác động của chính sách hạn chế những rủi ro nợ, trong khi tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp trong tháng Sáu cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua là 6%, một dấu hiệu đáng lo ngại trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ có nguy cơ gây thiệt hại cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.
Các số liệu không mấy khả quan kể trên đã củng cố quan điểm của thị trường cho rằng kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, và nhiều nhà phân tích đã kêu gọi chính phủ nước này có những biện pháp mạnh mẽ hơn để hỗ trợ nền kinh tế.
Chuyên gia Iris Pang của tập đòan tài chính ING ở Hồng Kông cho rằng Trung Quốc cần phải giảm dần các biện pháp hạn chế rủi ro tài chính và chuyển trọng tâm sang các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng. Theo chuyên gia Iris Pang, nếu tình hình chuyển biến xấu nhanh hơn dự đóan, giới chức Trung Quốc phải tăng cường các biện pháp hỗ trợ cả về tài khóa và tiền tệ.
Trung tâm Thông tin Quốc gia Trung Quốc mới đây nhận định rằng, nền kinh tế nước này có thể sẽ giảm tốc nhẹ trong nửa cuối năm nay, khi các rủi ro trên thị trường tài chính trở nên rõ nét và nhu cầu được dự đóan sẽ giảm xuống.
Có những dấu hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc sẽ chuyển sang một chính sách tài chính nới lỏng hơn để bảo vệ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trước những tác động từ tranh chấp thương mại ngày một nóng lên với Mỹ.
Trong một thông báo mới do Quốc vụ viện Trung Quốc công bố, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết sau hơn một năm thúc đẩy việc siết chặt quản lý nợ trong hệ thống tài chính, các chính sách tài khỏaa của chính phủ sẽ mang tính chủ động hơn, Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng chính sách vĩ mô ổn định và hỗ trợ nền kinh tế. Thông báo của Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết, chính phủ nước này cần phải hành động khi đối mặt với những bất ổn từ bên ngòai, nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong một “phạm vi hợp lý”, tránh thực thi những biện pháp kích thích mạnh hoặc quá lỏng, đồng thời cam kết duy trì giám sát chặt chẽ những dấu hiệu bất thường của hệ thống tài chính.
Các nhà phân tích cho rằng thông báo này được xem như là sự khởi đầu của việc Chính phủ Trung Quốc chuyển dần từ chính sách "thắt lưng buộc bụng" và kiểm sóat nợ sang kích thích kinh tế. Đây là điều mà các nhà quan sát đã dự báo từ trước.
Theo các chuyên gia tại Ngân hàng đầu tư Citic Securities, trọng tâm trong trung và dài hạn của Chính phủ Trung Quốc vẫn là giảm thiểu mức nợ, nhưng giới chức nước này sẽ phải có những thỏa hiệp vì các tác động từ bên ngòai cũng như những sức ép đi xuống đang đè nặng lên nền kinh tế.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vốn đã phải nỗ lực cân bằng giữa những ưu tiên có phần đối chọi nhau, bao gồm việc dịch chuyển nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sang giai đoạn tăng trưởng chậm hơn, trong khi phải tiến hành giải quyết hệ thống tài chính ngầm của nước này.
Việc cân bằng đó càng trở nên phức tạp hơn kể từ tháng 7/2018 khi Tổng thống Mỹ thông báo áp đặt mức thuế 25% đối với hàng hóa trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, khiến Trung Quốc cũng có động thái áp thuế đáp trả. Những động thái "ăn miếng trả miếng" về thuế giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang làm tăng nguy cơ cuộc chiến thương mại tòan cầu sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Đông và Trung Âu tại Bulgaria ngày 7/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa đối với các hàng hóa nước ngòai, đồng thời nhấn mạnh cần phải duy trì vững chắc thương mại tự do nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế tòan cầu bền vững, khẳng định cuộc chiến thương mại chưa bao giờ là một giải pháp và sẽ không bên nào chiến thắng.